Tiết học chuyên đề được thực hiện tại lớp 2A5 và lớp 2A3. Tham dự có: Ông Phạm Xuân Tiến – Trưởng phòng giáo dục Tiểu học – Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Trí Dũng – Phó trưởng phòng Giáo dục Tiểu học – Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội; Ông Bạch Ngọc Lợi – Phó trưởng phòng Giáo dục Quận Hà Đông và các chuyên viên, Ban giám hiệu, giáo viên của 25 trường Tiểu học trong toàn Quận.
Tại lớp 2A5, tiết Toán do cô Khuất Thị Thanh Nhàn giảng dạy với bài học: “Ngày, giờ. Thực hành xem đồng hồ”. Tại lớp 2A3, tiết Tự nhiên Xã hội do cô Vũ Thì Kiều Loan giảng dạy với bài học: “Vì sao chúng ta phải ăn uống sạch sẽ?”. Trong các tiết học, các em học sinh đã hoạt động theo nhóm rất tích cực, thể hiện sự thông minh và linh hoạt của Người Ban Mai.
Sau hai tiết dự chuyên đề, các vị khách mời và toàn thể các thầy cô giáo đã có mặt tại Thư viện Fujio.F.Fujiko để họp mặt và rút kinh nghiệm về các tiết học đã diễn ra. Ông Phạm Xuân Tiến – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học – Sở GD&ĐT Thành phố Hà Nội đã có những chia sẻ rất ý nghĩa về mô hình trường học mới VNEN. Sau đó, các thầy cô đến từ các trường tiểu học trong địa bàn Quận cũng đưa ra những nhận xét và chia sẻ của mình về tiết dạy chuyên đề. Tất cả các ý kiến nhận xét đều rất khen ngợi sự chuẩn bị công phu, sinh động và lối giảng dạy khéo léo của các cô giáo trường Ban Mai.
Ông Phạm Xuân Tiến – Trưởng phòng giáo dục Tiểu học – Sở GD&ĐT Thành phố Hà Nội chia sẻ về chương trình VNEN
Chia sẻ của các cô giáo đến từ các trường tiểu học trên địa bàn Quận Hà Đông
Cuối cùng, cô Phạm Thị Thu Phương – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của Nhà trường – người đã giành rất nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu và trực tiếp tập huấn, hướng dẫn triển khai chương trình dạy học mới VNEN tại trường tiểu học Ban Mai, đã chia sẻ với các vị khách mời về quá trình triển khai và những khó khăn bước đầu khi áp dụng chương trình này. Qua đó, để thấy rằng, bắt đầu một điều mới sẽ không tránh khỏi những khó khăn, nhưng với sự quyết tâm và lòng tâm huyết đối với công tác giảng dạy, đối với các con học sinh, sau ba tháng chính thức áp dựng mô hình lớp học VNEN, Nhà trường đã đón nhận những tín hiệu vui, mà trước tiên phải kể đến sự hỗ trợ tích cực của các PHHS và sự tiến bộ mỗi ngày của các con học sinh.
Mô hình trường học mới (VNEN) là kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại. Mô hình này dựa trên kết quả và thành tựu đổi mới giáo dục của quốc tế; vận dụng cách làm của giáo dục Colombia một cách sáng tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Mô hình này đã được UNICEF, UNESCO, Ngân hàng Thế giới (WB) ủng hộ và đánh giá cao.
Theo Bộ GD&ĐT, mô hình VNEN tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, tạo không khí học tập nhẹ nhàng, thân thiện; giáo viên phải tự trau dồi, nâng cao trình độ; học sinh sẽ không học thụ động mà bắt buộc phải có sự trao đổi, tư duy với giáo viên và các bạn cùng lớp, từ đó sẽ nâng cao hiệu quả tiếp nhận đối với học sinh./.