Người thầy trong lớp học không phải là vị trí độc tôn mà cần phải là người khơi gợi, truyền cảm hứng và là tấm gương mẫu mực cho con em mình, cho học sinh của mình. Mục đích của các giờ học tại lớp là nhằm phát triển những năng lực trí tuệ của con người, kích thích sự tò mò khám phá và trí tưởng tượng, khả năng giải quyết vấn đề, tự thích nghi và tiếp nhận cái mới, cái gần đúng.
Thế hệ tôi lớn lên từ môi trường giáo dục mà tập trung chủ yếu là “học một nghề thật chín còn hơn chín mười nghề” và mang tư duy “có công việc ổn định” là chuẩn mực. từ thời cấp 3, Tôi đã miệt mài tự đọc hiểu từng trang sách, tự diễn giải và trình bày lại tất cả trong căn phòng kín chỉ có riêng mình. Và có lẽ phần nào truyền thống giáo dục trong đại gia đình đó đã đem tới sự thuận lợi không hề nhỏ khi tôi được tiếp nhận thực tập và giảng dạy trong những ngôi trường công lập có bề dày lịch sử khá lâu. Tôi cũng chịu ảnh hưởng từ thế hệ đi trước và cứ mặc định dần một phong thái tự dẫn như những ngày cấp 3 tự diễn giảng đó.
Nhưng từ khi bắt đầu làm mẹ, những gì tôi đọc và học được để trở thành người mẹ đúng đắn của thế kỉ 21 – hợp thời đại thông tin điện tử, của một thế giới đầy những đổi thay thật chóng vánh thì tôi không còn là tôi của ngày hôm qua nữa. Tôi “nhảy việc”, mà theo như nhận định của tác giả Jon Acuff – một chuyên gia truyền thông xã hội nổi tiếng của Mỹ thì “nhảy việc chính là hành trình thay đổi chính mình” của mỗi người.
Qua buổi đầu gặp gỡ trò chuyện – ngỡ như một cái duyên với người Chủ tịch của Hệ thống giáo dục Ban Mai, và qua sự tiếp xúc nói chuyện với nhiều bậc cha mẹ đưa con đi học rồi tới thăm trường thăm lớp, trái tim tôi như đã có câu trả lời và quyết định tiếp nhận vai trò là giáo viên chủ nhiệm của lớp Quốc tế đầu tiên – khối THCS Ban Mai.
Cô giáo: Phạm Hồng Nhung – GV chủ nhiệm lớp 6i trường THCS Ban Mai
Với tầm nhìn hội nhập quốc tế, với khát khao định hướng, hỗ trợ mỗi học sinh tiệm cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến trong điều kiện học tập hiện đại và mới mẻ hơn; lớp Quốc tế của trường đã được đặt nền móng và đầu tư thực sự nghiêm túc. Cùng với đó là cả sự đồng chí hướng và sự tin yêu gửi gắm của cha mẹ học sinh mà khiến tôi thực sự cảm thấy xúc động và mang nặng trách nhiệm trong vai trò giáo viên chủ nhiệm của lớp quốc tế đầu tiên này.
Trong sự vận động đổi mới không ngừng của thế giới, thì nền tảng và mục đích của giáo dục không còn là những điểm số, học không vì mục đích kiếm việc làm mà là quá trình tiếp nhận trí thức giúp mình hiểu biết và cảm thấy tự do hơn. Tôi hiểu rằng đó chính là lý tưởng giáo dục khai phóng (Libral Education). Người thầy trong lớp học không phải là vị trí độc tôn mà cần phải là người khơi gợi, truyền cảm hứng và là tấm gương mẫu mực cho con em mình, cho học sinh của mình. Mục đích của các giờ học tại lớp là nhằm phát triển những năng lực trí tuệ của con người, kích thích sự tò mò khám phá và trí tưởng tượng, khả năng giải quyết vấn đề, tự thích nghi và tiếp nhận cái mới, cái gần đúng.
Tập thể lớp 6i – lớp quốc tế đầu tiên của trường THCS Ban Mai
Trong công tác giáo viên chủ nhiệm suốt học kì đầu tiên vừa qua, tôi đã và đang gặp những khó khăn nhất định. Những cảm xúc vui buồn bất chợt, những phản ứng mạnh và đột ngột của bất kì cô bé, cậu bé tuổi tween (pre-teen) nào cũng dễ lây nhiễm sang cho người khác một cách khó kiểm soát và đôi khi là khó kiềm chế hay chấp nhận được. Nhưng đối với những gì tôi đã trải nghiệm qua và cảm nhận được ở môi trường hệ thống giáo dục mở (ngoài công lập), thì tôi tin rằng bất kì đứa trẻ nào cũng có những tiềm năng tuyệt vời và đáng được tin tưởng trao quyền để rồi được ngợi khen, khích lệ đối với bất kì sự thay đổi nào của con trẻ.
Trách nhiệm làm gương của người thầy, người cô cùng sự thấu hiểu, đồng hành làm bạn tâm lý với học sinh còn lớn hơn bất kì việc cung cấp kiến thức hay chấm điểm bài đúng sai thế nào. Niềm hân hoan, sự may mắn cứ dần lan tỏa khi cảm nhận được sự quan tâm, tôn trọng hợp tác của Ban lãnh đạo Nhà trường, sự tin yêu của quý phụ huynh, tôi sẽ tiến bước cùng tập thể lớp Quốc tế đầu tiên này trên con đường xa còn dài.
Phạm Hồng Nhung