Có nhiều cha mẹ thường than phiền rằng con mình rất nhát, đi đến đâu cũng sợ, gặp cái gì cũng sợ. Sự thật là có rất nhiều trẻ nhút nhát, nhạy cảm hơn những trẻ khác. Nhưng có rất nhiều việc cha mẹ và mọi người xung quanh đang làm trong quá trình nuôi dạy con đã vô tình biến những đứa trẻ vui tươi, tự tin thành những đứa trẻ rụt rè, tự ti, nhút nhát.
NÓI DỐI CON VỀ HẬU QUẢ NHỮNG VIỆC CON PHẢI TRẢI QUA
Ví dụ như khi đi tiêm, thay vì giải thích cho con rõ ràng rằng tiêm sẽ hơi đau đấy, Bố Mẹ sẽ nói dối con là tiêm không đau đâu hay vào phòng khám thôi chứ không tiêm. Hậu quả là mỗi lần đi tiêm hay cần làm gì đó có chút đau đớn, bé đều la hét giãy dụa.
Vậy thì bé khóc là do đau, hay do sợ? Nhìn cảnh con dùng hết sức bình sinh để không phải tiêm, các cha mẹ lại chỉ muốn tìm mọi cách để dụ dỗ, đánh lừa con để tiêm cho xong chuyện. Nhưng chỉ đơn giản là nói rõ ràng với trẻ vì sao phải làm thế, mức đau đớn sẽ như thế nào, con có thể làm gì lúc bị đau (ôm mẹ, khóc) thì dù đau, dù khóc, bé có thể sẽ dũng cảm chấp nhận hơn là bị những nỗi đau do bất ngờ, không lường trước.
Việc này không chỉ giúp bạn và trẻ trải qua những sự trị liệu đơn giản hơn, mà còn giúp các bác sĩ, y tá đỡ “căng thẳng” hơn khi trị liệu cho trẻ, nhất là với tình trạng quá tải ở bệnh viện như hiện nay. Và hơn hết, việc này sẽ giúp bé có thể dũng cảm đón nhận những nỗi đau, những sự việc lớn hơn sau này. Việc gì cũng cần tập luyện, từ dũng cảm đón nhận và vượt qua nỗi đau từ những lần đi tiêm, nỗi đau nhỏ đầu đời.
NÓI DỐI CON KHI CÓ VIỆC CẦN ĐI VẮNG
Cha mẹ còn thường xuyên lừa dối trẻ như khi cần đi vắng sẽ giả vờ lúc con không để ý để trốn con đi. Các cha mẹ cho rằng nếu để con biết mình đi thì con sẽ khóc, sẽ đòi còn để con chơi rồi cha mẹ trốn đi thì con sẽ không khóc, không đòi. Nhưng lúc bé phát hiện ra cha mẹ đã đi mất thì sẽ như thế nào? Cha mẹ đưa mình đến đây rồi đột nhiên bỏ đi mất, không biết bố mẹ có quay lại đón mình không hay sẽ đi luôn, bé sẽ vô cùng hoảng sợ.
Vì thế, bé sẽ luôn ở trong trạng thái lo lắng, hoảng sợ, nhút nhát, sợ sệt, dù ở đâu cũng sẽ bám chặt lấy cha mẹ. Cha mẹ nên giải thích cho bé rõ ràng bố mẹ sẽ đi đâu, trong bao lâu thì về, vì sao cha mẹ phải đi và bạn hiểu cảm giác của bé như thế nào. Lúc ấy bé có thể khóc lóc, bám chặt lấy cha mẹ nhưng khi bé sẽ không bao giờ phải lo sợ, hoảng loạn. Sau vài lần như vậy, bé sẽ có thể tự tin hơn mỗi lần cha mẹ cần ra ngoài. Trẻ con có thể hiểu hết tất cả mọi điều bạn nói, vì vậy, đừng chọn lừa dối trẻ.
THƯỜNG XUYÊN DỌA DẪM TRẺ
Việc DỌA DẪM TRẺ cũng khiến trẻ nhút nhát, sợ sệt.
Ví dụ như khi con đòi làm việc gì đó mà cha mẹ không muốn, thay vì giải thích rõ ràng và kiên nhẫn với con thì sẽ thường chọn cách dọa: ra đấy con ma nó bắt đấy, con không nghe lời là con ngáo ộp nó vào đấy… Hay thường gặp nhất là nhiều cha mẹ cho con ăn và kèm theo dọa: “không ăn chú công an bắt đi”, “không ăn thì mẹ không yêu con nữa”. Đáng buồn là rất nhiều cha mẹ chọn đi đường tắt trong việc nuôi dạy con, giải quyết việc trước mắt mà không hề nghĩ đến những hậu quả lâu dài của những lời nói đó với con, và cả với mình!
Hãy tưởng tượng một đứa trẻ mới khoảng vài tuổi, chưa biết đâu là thật, đâu là dọa, hoàn toàn tin tưởng vào cha mẹ khi nghe những lời đó sẽ sợ hãi như thế nào?
Có những cha mẹ lúc con 1, 2 tuổi thì cấm con ra sân vì “ra đó ngáo ộp bắt đấy” đến lúc con 5 tuổi thì cáu lên với con “có gì đâu mà không dám tự đi vệ sinh, lớn rồi mà nhát cáy thế”. Những nỗi sợ mơ hồ từ hồi bé sẽ theo trẻ, khiến trẻ trở nên rụt rè, lo ngại về mọi việc, dù thực tế có thể trẻ đã hiểu là chuyện cha mẹ dọa mình là không xảy ra, tiềm thức vẫn khiến trẻ sợ hãi. Nguy hiểm hơn, với những trẻ “nhờn” khi bị dọa, trẻ sẽ hiểu cha mẹ chỉ dọa mình thôi, trở nên ngang bướng và biết cách nói dối, dọa dẫm những người khác.
TRẺ NHÚT NHÁT SỢ BỊ CHA MẸ BỎ RƠI
Điều đáng buồn nhất là nhiều Bố Mẹ rất hay dọa con kiểu như “không ăn thì Mẹ đi mất”, “con không nhanh thì cha mẹ đi để con ở lại” hay “không làm thì mẹ không yêu đâu”…. Một đứa trẻ hoàn toàn tin tưởng, yêu thương và phụ thuộc vào cha mẹ sẽ lo lắng, đau khổ thế nào khi nghe những câu nói này? Nhiều cha mẹ cứ hồn nhiên dọa con như thế rồi sau đó lại than thở sao con mình bám mẹ thế, mẹ đi vệ sinh cũng phải theo,…
Thật sự nỗi sợ hãi bị cha mẹ bỏ rơi, không yêu thương nữa là nỗi sợ hãi lớn lao nhất mà một đứa trẻ phải chịu đựng, những lời dọa dẫm sẽ khiến trẻ dần hoang mang, lo sợ. Trẻ cũng có thể sẽ nghi ngờ bản thân mình tại sao lại không được cha mẹ yêu thương hoặc tỏ ra bất cần cha mẹ, nhưng thực ra trong lòng trẻ rất đau đớn.
Ngoài cha mẹ, rất nhiều người khác như người thân, họ hàng, cô giáo …. vẫn hàng ngày dọa dẫm trẻ để trẻ làm theo những yêu cầu của họ ngay lập tức. Đừng lạm dụng việc dọa dẫm, hãy chỉ đưa ra những hậu quả mà trẻ sẽ phải chịu khi có những hành động sai như: NẾU CON KHÔNG ĂN THÌ CON SẼ KHÔNG ĐƯỢC ĂN GÌ CHO ĐẾN BỮA TIẾP THEO VÀ BỊ ĐÓI hoặc NẾU CON CÒN ĐÁNH BẠN, CON SẼ PHẢI NGỒI MỘT GÓC VÀ KHÔNG ĐƯỢC CHƠI NỮA.
NGĂN CẢN CON KHÁM PHÁ THẾ GIỚI XUNG QUANH
Một vấn đề nữa là cha mẹ thường quá lo sợ và ngăn cản bé khám phá.
Ví dụ như bé đang hăng hái định khám phá một quả bóng dưới đất, cha mẹ sẽ hét lên “bẩn, không được sờ” hay khi bé hào hứng chạy nhanh bố mẹ sẽ dặn dò “Chậm thôi không ngã”… Những sự lo lắng, dặn dò của cha mẹ hoàn toàn không sai, nhưng không nên thái quá. Nếu việc khám phá của bé không nguy hiểm thì bẩn một chút, hơi xước xát một chút sẽ không phải là một vấn đề lớn. Bù lại bé sẽ luôn giữ được thái độ tự tin, hào hứng khám phá mọi thứ.
LẤY TRÊU CHỌC TRẺ LÀ CÂU CHUYỆN VUI
Thực tế có rất nhiều người đang coi việc trêu chọc trẻ con là một việc vui.
Ví dụ như lấy mất món đồ của bé, bắt bé phải ạ thì mới trả, bé sợ hãi khóc lóc thì càng xem đó là điều vui. Hay như trêu chọc trẻ là “cha mẹ không yêu cháu, bố mẹ để cháu ở đây với bác rồi” … Cần phân biệt rõ ràng giữa trêu vui và trêu ác với trẻ con. Trêu vui là khi mục đích của người trêu là khiến trẻ vui, như khi chơi trò ú òa, khi cha mẹ giấu món quà bé thích trong tay rồi đưa cho bé khiến bé bất ngờ và vui sướng… Còn trêu ác là trêu với mục đích mang lại niềm vui cho người trêu còn khiến trẻ nhút nhát, sợ hãi, lo lắng.
Có thể mục tiêu của người trêu ban đầu không phải là khiến trẻ sợ nhưng kết quả trêu của họ lại khiến trẻ sợ. Và mọi người thường nghĩ, trẻ con mà, khóc tí nín ngay, chả có hại gì. Nhưng thực sự, bị trêu chọc và làm cho hoảng sợ sẽ khiến bé trở nên lo lắng, sợ hãi và tự ti. Nếu cha mẹ để ý sẽ thấy bé luôn cố tránh hoặc thậm chí tỏ ra dữ dằn với những người thường trêu chọc mình.
CHA MẸ CẦN HÀNH ĐỘNG NHƯ NÀO?
Đối với những người thích trêu chọc trẻ con như vậy cha mẹ nên làm như thế nào? Có thể cha mẹ thấy ngại, thấy họ cũng chẳng có ác ý gì nhưng việc đó sẽ khiến trẻ sợ hãi, lo lắng. Vì thế, hãy cố gắng không cho những người thích trêu chọc bé có nhiều cơ hội tiếp xúc với bé riêng để trêu bé.
Nếu người đó trêu bé khi cha mẹ đang có mặt, chúng ta nên hóa giải nhẹ nhàng lời trêu: “À, bác định trêu con cho vui nhưng con không vui đúng không?” Những người tinh ý sẽ hiểu, lần sau không trêu trẻ nữa. Còn với những người không hiểu, cha mẹ nên nói chuyện rõ ràng hoặc dạy trẻ nói rõ ràng: bác đừng trêu cháu, cháu không thích. Việc cha mẹ nể ngại có thể sẽ khiến trẻ bị trêu lâu dài, trở nên lo sợ, nhút nhát hơn.
Những em bé tự tin thì cha mẹ hạn chế được những sai lầm này, bé chắc chắn sẽ giúp bé luôn giữ được thái độ can đảm, tự tin.
Tổng hợp.