GD&TĐ – Thầy Nguyễn Đức Kiên, giáo viên Trường THCS Ban Mai (Hà Nội) đưa ra những lời khuyên hết sức bổ ích cho các thí sinh Hà Nội thi Toán vào 10 sáng 13/6.
Thí sinh Hà Nội sau buổi thi đầu tiên vào lớp 10 sáng 12/6.
THI TOÁN VÀO 10 CẦN CHÚ Ý GÌ?
Ngoài lời khuyên cân đối thời gian, chiến thuật làm bài, dễ làm trước khó làm sau, kiểm tra lại bài….
Thầy Kiên lưu ý: Có thí sinh chỉ cần cầm đề là tự nhiên đầu “nhảy số” và bắt tay vào nháp làm những câu bắt mắt mà mình để ý.
Thế rồi sa đà vào những câu đó, khi tỉnh lại đã quá muộn. Cần đặc biệt lưu ý tránh khỏi điều này để cân đối được thời gian làm bài.
Bên cạnh đó, có một số câu được gọi là “câu không thể sai”, như: Tính giá trị biểu thức, giải hệ phương trình, giải phương trình bậc hai, tìm tọa độ giao điểm (nếu có), bài tính toán thực tế dùng hình học, bài giải bài toán bằng cách lập phương trình hoặc hệ phương trình, vẽ hình và chứng minh tứ giác nội tiếp.
Hãy phát huy sức mạnh của máy tính vì hầu hết những câu trên đều sử dụng nhiều đến nó. Cần bảo đảm không mắc những lỗi không đáng có, làm mất điểm ở những câu này.
Cuối cùng, thầy Kiên nhắn nhủ thí sinh biết tìm hy vọng trong khó khăn. Khi kiểm tra bài, đã trình bày đầy đủ (bao gồm các loại điều kiện, kết luận, …) mà còn thời gian hãy đọc lại các câu khó còn bỏ dở.
Biết đâu trong những ý khó lại có “cái gì đó” đủ dễ để có thể làm. Rồi khi làm được “cái gì đó”, lại nghĩ ra được thêm nữa… Do vậy, hãy nỗ lực và chiến đấu hết mình.
THỜI LƯỢNG VÀ CẤU TRÚC ĐỀ THI TOÁN VÀO 10
Năm nay, thời gian thi môn Toán giảm từ 120 phút xuống còn 90 phút, thầy Nguyễn Đức Kiên cho rằng: Đề thi vẫn có cấu trúc như trước, nhưng có thể độ khó, hoặc độ dài của đề sẽ giảm. Cụ thể như sau:
Câu 1 thường là biểu thức đại số chứa căn sẽ vẫn mang hai ý cơ bản: Tính giá trị biểu thức và rút gọn.
Câu 2 là các bài giải bài toán bằng cách lập phương trình hoặc hệ phương trình, bài toán thực tế về hình học, giải hệ phương trình.
Câu 3 thường liên quan đến phương trình bậc hai, định lí Vi-ét hoặc Parabol và đường thẳng. Về định lý về Vi-ét, thí sinh cần nắm chắc các dạng; còn câu hình học thực tế thì cần nhớ công thức chính xác, áp dụng đúng tình huống.
Câu 4 về nội dung hình học: Sau câu chứng minh tứ giác nội tiếp sẽ là câu áp dụng tính chất góc với đường tròn, hệ thức lượng hoặc tam giác đồng dạng để chứng minh đẳng thức hình học hoặc tính chất tương tự.
Câu cuối bài hình dự đoán sẽ không quá khó, các em có thói quen bỏ câu này nên suy nghĩ lại và dành thời gian cho nó một chút có thể sẽ có ích đối với đề năm nay.
Câu cuối cùng của đề, sau khi đề năm ngoái ra về giải phương trình vô tỉ, nhiều khả năng bất đẳng thức hoặc tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất sẽ trở lại để thách thức các học sinh khá giỏi tìm điểm cao.