Tuyển sinh Ban Mai

HỌC SINH BMS KÍCH THÍCH TƯ DUY SÁNG TẠO VÀ ĐẶT CÂU HỎI VỀ SÁCH CÙNG TÁC GIẢ – DIỄN GIẢ NGUYỄN THỤY ANH

Bạn đã có nghĩ rằng đọc sách cũng cần có tư duy phản biện, và góc nhìn đa chiều? Cách tự đặt câu hỏi trong quá trình đọc cũng là một cách đọc – hiểu và phát triển khả năng sáng tạo? Đọc sách không thụ động chính là luôn đối chiếu, nghiền ngẫm và biết tự rút ra những bài học?

Trong buổi gặp gỡ và giao lưu cùng tác giả – diễn giả Nguyễn Thụy Anh với chủ đề “Sách vừa là thầy – Sách vừa là bạn”, các bạn học sinh BMS đã vô cùng hào hứng và tích cực tương tác trước các vấn đề mà cô Thụy Anh đưa ra.

Mở đầu chương trình là một phần trò chơi nhỏ để gắn kết và lan tỏa tình yêu đọc sách tới các bạn học sinh qua việc tìm hiểu những tên tác giả, tác phẩm quen thuộc như: Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam hay Chuyện con mèo dạy hải âu bay…Tiếp theo là chia sẻ của cô Thụy Anh về các phương pháp để lựa chọn một cuốn sách và cách nắm bắt tìm kiếm thông tin từ cuốn sách đó thông qua trang tên sách, mục lục, lời đề tựa hay lời giới thiệu.

Cô Thụy Anh đã kích thích tư duy sáng tạo, kỹ năng đặt câu hỏi, cách xây dựng tình huống thông qua câu chuyện: Nếu thấy một cành hoa được ép khô trong cuốn sách cổ tại thư viện, bạn sẽ nghĩ đến điều gì?

Học sinh được chia thành những nhóm nhỏ và điều bất ngờ là chỉ trong khoảng thời gian ngắn các nhóm đã đưa ra được rất nhiều câu hỏi, giả thiết như: Bông hoa được đặt vào đây từ bao giờ? Liệu có phải bông hoa này là của một chàng trai tặng một cô gái nhưng tình yêu đó đã bị từ chối hay nó chưa từng được mang đi tặng? Bông hoa tượng trưng cho điều gì hay nó ám chỉ đến một điều bí mật nào đấy? Liệu có phải có người hái nó trong một khu rừng vào một ngày trời đầy tuyết? Hay nó là tín vật tình yêu của một đôi uyên ương bị gia đình ngăn cấm đến với nhau?

Từ sự hướng dẫn, khơi gợi của cô Thụy Anh mà các bạn đã tạo nên cho riêng mình một câu chuyện đầy bất ngờ và thú vị. Ở phần kết của buổi giao lưu, cô đã hướng dẫn các bạn biết tư duy phản biện khi đọc một cuốn sách hay cách đặt những câu hỏi tình huống để đọc sách không chỉ thụ động một chiều mà đọc sách là xem xét tư tưởng cuốn sách đề cập đến, người đọc phải luôn đối chiếu và đánh giá nó.

Những buổi gặp gỡ và giao lưu cùng các diễn giả nổi tiếng đã giúp cho BMSers được mở rộng thêm những góc nhìn, học tập được thêm nhiều bài học bổ ích, góp phần nâng cao văn hóa học trong cộng đồng BMS.

Cùng nhìn lại một số hình ảnh của BMSers giao lưu cùng Diễn giả: