Tuyển sinh Ban Mai

HỆ THỐNG GIÁO DỤC BAN MAI MANG SÂN CHƠI KHOA HỌC GLOBAL CHILDREN’S DESIGNATHON 2018 ĐẾN VIỆT NAM

Ngày 3/11, tại Trường THCS Ban Mai – Hệ thống Giáo dục Ban Mai đã phối hợp với Designathon Works – một tổ chức phi chính phủ tại Hà Lan tổ chức chương trình Global Children’s Designathon 2018.

Designathon là một sự kiện khoa học có ý nghĩa lớn đối với học sinh. Đây là cơ hội tuyệt vời để các em học sinh được trải nghiệm, nhận thức sâu sắc về vấn đề các quốc gia đang đối mặt trên toàn cầu- đó là nạn phá rừng và những tác hại của nó tác động tiêu cực đến sự sống trên hành tinh.

Học sinh được thảo luận, chia sẻ quan điểm của mình, đưa ra những sáng kiến và giải pháp để nâng cao nhận thức trong cộng đồng, chống phá rừng và hạn chế những tác động tiêu cực, cải thiện môi trường sống.

Học sinh Ban Mai thuyết trình dự án STEMTrong quá trình tham gia chương trình, các em học sinh đã được trải nghiệm, nhận thức sâu sắc về vấn đề các quốc gia đang phải đối mặt trên toàn cầu – đó là nạn phá rừng và những tác động tiêu cực của nạn phá rừng ảnh hướng đến sự sống trên hành tinh. 

Đồng thời có cơ hội tương tác và tiếp xúc với bạn bè tại các đầu cầu quốc tế trong cùng múi giờ với Việt Nam như: Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia… để thảo luận, chia sẻ quan điểm của mình về chủ đề “Deforestation” (vấn nạn phá rừng) và cùng đưa ra những sáng kiến, giải pháp để nâng cao nhận thức trong cộng đồng, chống phá rừng và hạn chế những tác động tiêu cực, cải thiện môi trường sống.

Tại Designathon 2018, học sinh trong độ tuổi 7-12 tuổi được giao lưu với bạn bè quốc tế, chia sẻ và lắng nghe những ý tưởng từ các điểm cầu truyền hình trên thế giới và thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và trình bày dự án nghiên cứu qua các phần thi: trình bày poster, thuyết minh dự án xoay quanh chủ đề “Vấn nạn phá rừng”.

Hội đồng Ban giám khảo là các nhà khoa học có uy tín tại các trường đại học và Viện nghiên cứu chuyên ngành đánh giá và cho điểm các nhóm dự thi. Các nhóm xuất sắc nhất sẽ nhận Kỷ niệm chương Nhất, Nhì, Ba từ Ban tổ chức.

Nhóm 1: Chế tạo mô hình máy bay điều kiển từ xa gắn camera để theo dõi các hoạt động chặt phá rừng. Máy bay này chạy bằng năng lượng mặt trời, có khả năng tự tìm chỗ đỗ, sử dụng camera hồng ngoại, có vỏ ngoài chống đạn, chức năng giảm thanh để tránh bị phát hiện. Sản phẩm sử dụng chất liệu Metallic microlattice – một chất liệu nhẹ hơn sắt nhưng bền hơn sắt gấp 20 lần để làm vỏ máy bay. 

Nhóm 2: Thiết kế mô hình nguyên nhân và hậu quả của nạn chặt phá rừng. Sản phẩm này để tuyên truyền cho mọi người thấy được tác hại của vấn đề chặt phá rừng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người. Từ đó, xây dựng ý tưởng tạo ra chiếc máy trồng cây rừng tự động, chiếc máy này có khả năng gieo hạt, bón phân và tưới nước tự động, được điều khiển từ xa, chạy bằng pin năng lượng mặt trời. 

Nhóm 3: Xây dựng mô hình các trạm cứu hộ lưu động dành cho động vật của các khu vực có nguy cơ xảy ra nạn chặt phá rừng. Trạm này sẽ giúp khắc phục và giảm thiểu những thiệt hại do việc hủy hoại môi trường sống của động thực vật do nạn chặt phá rừng gây ra.

Nhóm 4:  Thiết kế mô hình khoanh vùng rừng theo mục đích sử dụng. Mô hình này giúp mọi người có thể phân biệt được các vùng rừng với mục đích sử dụng khác nhau, tránh chặt phá rừng bừa bãi, tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng, tăng diện tích rừng sản xuất phủ xanh đất trống đồi trọc. 



Nhóm 5: Thiết kế mô hình cảm biến âm để phân biệt được âm thành từ hoạt động của con người hay thú vật ở trong rừng, giúp gửi tín hiệu đến Trạm kiểm lâm, đưa ra những cách xử lý kịp thời để bảo vệ rừng.

Nhóm 6: Sáng tạo xe thu thập lá và cành cây khô để cung cấp nguyên liệu sản xuất giấy, nhằm giảm việc khai thác, phá hoại rừng.

Thầy Đặng Xuân Chất – giáo viên hướng dẫn chia sẻ: “Designathon 2018 không chỉ chắp cánh cho những ước mơ của học sinh về những cánh rừng phủ xanh cả thế giới, mà thông qua các mô hình nghiên cứu của các con đã góp phần đưa những kiến thực thực tế trở thành giá trị cuộc sống mang lại hạnh phúc cho mọi người…”

Là một trong những học sinh tham gia chương trình, Nguyễn Vũ Thục Anh (Học sinh lớp 7A3, trường THCS Ban Mai) cho biết, em cảm thấy rất vinh dự khi được tham gia chương trình và được giao lưu với các bạn khác trên thế giới.

“Thông qua các thí nghiệm khoa học đã giúp chúng em có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường và chống nạn phá rừng. Ý tưởng của nhóm chúng em là sáng chế ra máy bay sử dụng năng lượng mặt trời để có thể quay cả ngày mà không bị hết pin, nhờ vậy phát hiện ra những lâm tặc chặt cây bất hợp pháp. Đặc biệt, trong chế tạo này sẽ được gắn một bộ phận giảm thanh để khi bay sẽ giảm được âm thanh, không gây ồn ào trong khi di chuyển. Nhóm em sẽ sử dụng chất liệu Metallic Microlattice – một chất liệu nhẹ hơn sắt nhưng bền hơn sắt gấp 20 lần để làm vỏ máy bay – Thục Anh chia sẻ.

Đánh giá về chương trình, anh Đỗ Văn Bình (Phụ huynh em Đỗ Nguyễn Hoàng Linh, học sinh lớp 6M3, Trường THCS Ban Mai) cho biết: “Đây là một chương trình rất bổ ích và thực tế, chắc chắn sẽ giúp các con có được nhiều sự trải nghiệm cũng như nuôi dưỡng kiến thức và ý thức bảo vệ môi trường sống bền vững. Tôi nghĩ đây là một trong những chương trình rất quan trọng giúp các con phát triển và thể chất và tinh thần. Rất mong nhà trường luôn có những kế hoạch để tổ chức những chương trình tương tự và nên nhân rộng để giúp các học sinh khác có điều kiện học hỏi, phát triển”

Cùng quan điểm với anh Đỗ Văn Bình, chị Nguyễn Thị Nụ (Phụ huynh học sinh lớp 9A3, Trường THCS Ban Mai) cũng cho rằng đây là một sân chơi khoa học giáo dục thực sự ý nghĩa và bổ ích, thúc đẩy các con có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. “Những ý tưởng của các con thực sự rất đáng được trân trọng và khiến tôi vô cùng ngạc nhiên khi các con chủ động đưa ra ý kiến, xây dựng, góp ý. Thời gian tới, tôi cũng sẽ đồng hành cùng con để tuyên truyền cho người thân, gia đình và bạn bè về ý thức bảo vệ môi trường và phản đối tình trạng chặt phá rừng đang xảy ra nghiêm trọng trên toàn thế giới” – chị Nguyễn Thị Nụ cho hay.

Thông qua chương trình này, nhà trường cũng có cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm về mô hình giáo dục STEM, đồng thời tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học cho học sinh, luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn cho học sinh, hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu của “học” qua “hành” trong giáo dục STEM.

Đánh giá về chương trình, Thầy giáo Nguyễn Khánh Chung – Hiệu trưởng trường THCS&THPT Ban Mai cho biết: “Tôi đánh giá đây là một chương trình rất có ý nghĩa đối với các em học sinh bởi các em đã có một cơ hội tuyệt vời để thể hiện hết niềm đam mê khoa học và khả năng sáng tạo của mình. Đến với chương trình, các em đã được trình bày quan điểm, ý tưởng của mình về vấn nạn chặt phá rừng – vấn đề đề mà các quốc gia đang phải đối mặt trên toàn cầu – và những tác động tiêu cực đến sự sống trên hành tinh. Hơn thế nữa, các em học sinh tham gia chương trình sẽ trình bày với bạn bè quốc tế bằng tiếng Anh. Đây là cơ hội để các em trao đổi, chia sẻ ý tưởng sáng tạo của mình, đồng thời lắng nghe ý tưởng sáng tạo của bạn bè quốc tế. Từ đó, các em có thể học hỏi được nhau”.

Cô Nguyễn Thị Thu Trang- Chủ nhiệm Câu lạc bộ STEM Ban Mai

“ STEM đã thai nghén trong lòng tôi từ những năm đầu tiên tôi được hướng dẫn các con học sinh nghiên cứu những đề tài khoa học. Đồng hành cùng các con trong mỗi giờ học, sau giờ học thậm chí cả ngày nghỉ, tôi thấy “ yêu” công việc này từ lúc nào không hay? Và một kỳ tích lớn bất ngờ đến với tôi , tôi được chọn công tác tại nước Mỹ, được học tập và làm việc với các giáo sư rất giỏi và vô cùng tâm huyết. Chính điều đó thổi bùng lên ngọn lửa âm ỉ trong trái tim nhỏ bé của tôi. Tôi trở về Việt Nam và quyết tâm ngay một việc đó là kết nối những giáo viên và các con học sinh chung tình yêu với mình để làm những điều thật ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Và Câu lạc bộ STEM Ban Mai ra đời. Chúng tôi vẫn đang đồng hành cùng nhau trên chặng đường đó, tôi mong muốn sẽ xây dựng STEM Ban Mai đạt tiêu chuẩn STEM Quốc tế khẳng định bản lĩnh và thương hiệu của Hệ thống giáo dục Ban Mai”.- Chia sẻ của Cô Nguyễn Thị Thu Trang- Chủ nhiệm Câu lạc bộ STEM Ban Mai.

Mời quý Thầy Cô, Quý Phụ huynh và các con học sinh theo dõi anbum ảnh tư liệu tại đây.