Tuyển sinh Ban Mai

HÀNH TRANG VỮNG VÀNG – CON SẴN SÀNG VÀO LỚP 6

Bước vào lớp 6 – Giai đoạn chuyển cấp này sẽ có những thay đổi lớn về môi trường học đường và phương pháp học tập. Vì vậy, cha mẹ có con đã hoàn thành chương trình tiểu học bắt đầu vào lớp 6 cần chuẩn bị tốt hành trang, luôn đồng hành và tìm hiểu những nội dung sau đây để giúp con học tập tốt trong năm học đầu cấp này.

NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CẦN BIẾT

1. Mục tiêu học tập

       – Chương trình giáo dục trung học cơ sở giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học, tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kĩ năng nền tảng, có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên trung học phổ thông.

 2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực

       – Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi sau:

       – Những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo;

       – Những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: Năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất.

3. Xuất hiện các môn học mới

       – Lớp 5 các em đã được học các môn: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Khoa Học; Lịch sử và Địa lí; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Tiếng Anh, Tin học; Hoạt động tập thể.

       – Lớp 6 Chương trình GDPT 2018 gồm các môn:Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học), Lịch sử và Địa lí, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Tin học (trở thành bắt buộc, khác với trước đây là tự chọn). Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

       – Sự thay đổi về nội dung học các em được tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau, nội dung trừu tượng, phong phú sâu sắc hơn, đòi hỏi các em có sự thay đổi về phương pháp học. So với lớp 5 xuất hiện sự “mới lạ” của môn Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) sẽ làm các em bỡ ngỡ: Môn Vật lí với những bài học trừu tượng, nếu không nghe giảng kĩ các em sẽ không hiểu hết; Môn Toán, phần đầu chương trình là học về tập hợp, lũy thừa các em sẽ thấy nhiều xa lạ về kiến thức lẫn cách trình bày bài làm; Môn Anh văn ở tiểu học chủ yếu là vui học, nghe nói mẫu câu thông thường quen thuộc thì lớp 6 phải thuộc từ vựng, hiểu ngữ pháp mới có thể làm bài được.

4. Sự thay đổi về phương pháp học

       – Ở lớp 5 mỗi giáo viên chủ nhiệm có thể dạy nhiều môn học, lớp học 2 buổi/ngày, mỗi tiết 35 phút, một buổi giáo viên có thể dạy từ 2-3 tiết; tốc độ đọc, viết hoàn toàn khác, học sinh viết giấy kẻ 5 ô li và tốc độ viết chậm hơn, mổi ngày đến trường học sinh được học với giáo viên chủ nhiệm nhiều hơn nên tiểu học được gọi là “ông thầy tổng thể”. Khi lên lớp 6 việc học cũng bao điều mới lạ với các em, mỗi thầy cô dạy 1 môn, 1 tiết học 45 phút, do nhiều em quen viết nắn nót khi học tiểu học nên lên lớp 6 viết không kịp dẫn đến viết tắt, viết thiếu nét.

       – Sự thay đổi về phương pháp dạy học và hình thức học tập, ở mỗi môn học có 1 giáo viên giảng dạy, vì vậy các em được học với nhiều thầy cô. Mỗi thầy, cô có cách trình bày, phương pháp dạy học khác nhau nên cách dạy và nhân cách của người thầy cũng tác động vào việc hình thành và phát triển trí tuệ, cách lập luận, nhân cách của các em. Ở trường THCS, các môn học sẽ nhiều hơn, kiến thức nâng cao hơn, các môn học đòi hỏi nhiều tính suy luận và logic. Trẻ rất cần được cha mẹ khích lệ, động viên và định hướng để tự tin thích ứng với môi trường học tập mới. Cha mẹ nên chuẩn bị cho con cơ hội làm quen với môi trường học tập mới, tham quan trước trường THCS sẽ theo học lớp 6 càng sớm càng tốt. PHHS cần tìm hiểu kĩ về ngôi trường mới về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình học tập, hoạt động thể chất, hoạt động ngoại khóa……

       Hiện nay, có một số cha mẹ học sinh thường thể hiện sự quan tâm đến việc học của con em bằng cách cho đi học thêm nhiều môn nhiều nơi, như vậy suốt tuần chỉ có học và học và liệu học như thế các em có tiến bộ hơn? Việc quá tải do áp đặt mục tiêu từ bố mẹ đôi khi vô tình đã khiến học sinh chán nản trường học, biến những năm tháng đầu lên học THCS lẽ ra hạnh phúc nhất thành những chuỗi ngày căng thẳng đối với các em.

5. Kiểm tra đánh giá

       Ở lớp 5 học sinh đánh giá theo Thông tư 22 trong quá trình học tập, giáo viên chủ yếu đánh giá, nhận xét, không chấm bài; một năm học chỉ có kiểm tra định kỳ 4 giai đoạn gồm: GK1, HK1, GK2 và cuối năm học còn lên lớp 6 số bài kiểm tra với thời gian làm bài khác nhau sẽ nhiều hơn do vậy sẽ có phụ huynh thắc mắc khi học tiểu học được đánh giá hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện nhưng khi mới bước lên lớp 6 đã nhận được phản ánh là tiếp thu chậm, học lực trung bình, không tập trung…

       Cha mẹ cần chuẩn bị cho con tâm thế bước vào học THCS như việc học tập ở nhà, nhất là giai đoạn đầu, các phụ huynh nên theo dõi, động viên các em vì nội dung học ở THCS khác với tiểu học. Đặc biệt, khi trẻ bước vào lớp 6, trẻ cần được cha mẹ định hướng để làm quen với việc tự giác trong học tập, để con thực sự hứng khởi với việc học chứ không phải là ép buộc trẻ học theo nhu cầu của cha mẹ. Dĩ nhiên, vẫn cần có những áp lực nhất định để trẻ phát huy hết năng lực và học tập nghiêm túc.

————————————————

HỆ THỐNG GIÁO DỤC BAN MAI
TRƯỜNG THCS – THPT BAN MAI
Địa chỉ: Lô TH4- Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội
Hotline: 0906190468
Website: http://banmaischool.edu.vn/
Youtube: