Môn Toán trong chương trình GDPT mới là một trong những môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Theo đó, mục tiêu chung của môn học này giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực toán học đặc thù; các kiến thức, kĩ năng then chốt và tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, áp dụng toán học vào đời sống thực tiễn, giáo dục toán học tạo dựng sự kết nối giữa các ý tưởng toán học, giữa toán học với các môn học khác và giữa toán học với đời sống thực tiễn.
Chương trình phổ thông mới góp phần phát triển một số năng lực như năng lực mô hình hoá toán học; Năng lực giải quyết vấn đề toán học; Năng lực giao tiếp toán học. Năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán thông qua các hình thức dạy học khác nhau. Học sinh học qua thực hành, qua các hoạt động trải nghiệm, qua thực hiện các dự án học tập.
Tính ứng dụng vào thực tiễn của môn Toán còn được thể hiện qua các hoạt động thực hành và trải nghiệm với nhiều hình thức như: thực hiện những đề tài, dự án học tập về Toán, đặc biệt là khả năng ứng dụng trong thực tiễn; tổ chức trò chơi, câu lạc bộ toán học, diễn đàn, hội thảo, cuộc thi về Toán… tạo cơ hội giúp học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn một cách sáng tạo.
Trong quá trình triển khai dạy học môn Toán 10 theo chương trình mới, Tổ Toán Tin – Trường THCS – THPT Ban Mai, Hà Đông đã nghiên cứu chương trình phổ thông tổng thể cũng như chương trình môn Toán mới, từ đó xây dựng kế hoạch chuyên môn tổng thể trong một năm học.
Với những thay đổi ở chương trình GDPT mới, tổ Toán Tin Trường THPT Ban Mai đã xây dựng và tổ chức dạy học với dự án “Đo đạc ngoài trời” cho học sinh khối 10 từ 9/1-16/1/2023. Xuyên suốt dự án học học sinh sử dụng các kiến thức đã học về nội dung hệ thức lượng trong tam giác đã học trên lớp để áp dụng vào những bài toán đo đạc tính chiều cao trong thực tế.
Sau khi kết thúc nội dung “Hệ thức lượng trong tam giác Vectơ”, Tổ Toán đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai dự án “Đo đạc ngoài trời” như: Xây dựng nhóm học sinh như thế nào? Nhóm học sinh xây dựng đặt tên theo các nhà toán học, học sinh tìm hiểu thông tin đến nhà toán học đó; Xây dựng các hoạt động trải nghiệm, mô hình toán học, mô tả các sản phẩm đầu ra, xây dựng tiêu chí đánh giá cho nhóm, theo dõi tiến độ thực hiện sản phẩm của mỗi nhóm. Tiêu chí các sản phẩm của học sinh được đưa ra từ đầu về chất lượng từng loại sản phẩm như: poster như thế nào là đạt yêu cầu; Video ghi lại quá trình tương tác thảo luận nhóm phải có những gì hay bài thuyết trình phải thể hiện được những tiêu chí nào? Xây dựng timeline để học sinh theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện dự án…
Thầy Nguyễn Đức Thắng – Tổ trưởng Tổ Toán Tin – Trường THPT Ban Mai, Hà Đông chia sẻ: “Quá trình triển khai dự án, thầy cô giáo phải luôn bàn bạc, nghiên cứu, và trả lời câu hỏi: Học xong chương trình học sinh LÀM được những gì? Nội dung nào có thể đưa vào các hình thức dạy học thông qua trải nghiệm, hay dạy học thông qua dự án, tích hợp liên môn…để học sinh hiểu được các ứng dụng toán học trong thực tiễn từ đó khơi dậy tiềm năng và hứng thú học tập của học sinh? Trên lớp, Giáo viên dành ít nhất 03 tiết để triển khai dự án như: Câu hỏi lớn của dự án cần trả lời là gì? Đâu là thiết bị, dụng cụ học tập và công nghệ để thực hiện dự án; Phân công nhiệm vụ của mỗi thành viên và đánh giá ra sau; học sinh tìm hiểu cách sử dụng giác kế, giải quyết các mô hình toán học trên lớp; Xây dựng quy trình đo đạc ngoài thực địa; Các bước xử lí số liệu và trình bày số liệu để báo cáo; Phân công bộ phận truyền thông, tập hợp và xử lí dữ liệu;…Sau đó học sinh sử dụng ít nhất 02 tiết trên lớp để xử lí số liệu, trình bày báo cáo, hoàn thiện các sản phẩm. Cuối cùng, học sinh trình bày báo cáo trong vòng 02 tiết, thầy cô đánh giá quá trình học sinh và sản phẩm thực tế của học sinh”
Những vấn đề chung mà học sinh mỗi nhóm đều phải hiểu được là cách sử dụng giác kế, các bước tiến hành đo đạc, tính toán và xử lí số liệu, học sinh biết trình bày báo cáo một sản phẩm khoa học qua quá trình tự nghiên cứu. Các lớp được giao nhiệm vụ giải quyết một vấn đề dự án: Tập hợp các dữ liệu, trình bày poster trên nền tảng Canvas hoặc vẽ sơ đồ tư duy; sử dụng các ứng dụng để chỉnh sửa video, thu âm, phỏng vấn và biên dịch ra tiếng Anh. Sau khi hoàn thiện, học sinh sử dụng các sản phẩm mỗi nhóm để trưng bày, báo cáo. Thông qua các góc học tập với những chủ đề khác nhau của dự án. Học sinh học được qua sản phẩm của mỗi nhóm, hiểu thêm về lịch sử toán học, các ứng dụng của lượng giác trong cuộc sống, cách làm việc nhóm.
Có thể nói, việc thực hiện dự án “Đo đạc ngoài trời” học sinh hiểu về các ứng dụng của Toán học trong cuộc sống, tập dượt nghiên cứu khoa học, cách tổ chức công việc của nhóm, cách sử dụng thiết bị và công nghệ phục vụ dạy- học; quan trọng hơn là khơi dậy hứng thú học tập môn Toán của các con, các con biết được toán học có nhiều ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày qua các hoạt động trải nghiệm, thực hiện dự án.