Bài viết đã được đăng tải trên Báo giấy Giáo dục Thời đại số Thứ hai
Dạo quanh hiệu sách tìm mấy cuốn tham khảo, sách cần tìm không thấy, tôi lướt qua không dưới mười đầu sách văn mẫu được bày trên kệ. Xem văn mẫu có gì học tập thấy hầu hết chúng đều na ná nhau, thậm chí có quyển viết khá vội…Và tôi chắc rằng ít nhất mỗi em học sinh sẽ “tậu” cho mình một vài quyển trong số đó để có thể xoay với môn Văn trên lớp.
Lên lớp với HS nhiều lúc thấy chạnh lòng vì HS yêu Văn ngày càng ít, HS say mê văn chương khó hơn tìm vàng. Đa phần các em ngại đọc sách, thậm chí ngại đọc cả những văn bản in trong SGK.
Những giờ hướng dẫn đọc – hiểu văn bản hầu như GV đọc và hiểu, HS cắm cúi ghi và chép, HS hiểu theo cách hiểu của GV, những câu hỏi thảo luận tìm ra minh triết của tác phẩm hay cảm nhận cái đẹp, cái hay của một bài thơ, rút ra bài học cuộc sống… đa phần rất nhạt.
Học sinh không thực sự đọc, không thực sự hiểu và không thực sự cảm được bài học. Các em đa phần đều rất vội vì bận học nhiều môn, ôn nhiều lò chuẩn bị cho các bài thi và các kì thi quan trọng.
Có những bài học cô trò rất say sưa, xúc động, cuối giờ một cậu học trò hỏi cô “Bài này có nằm trong giới hạn ôn thi không cô?” khiến cô giáo thấy buồn.
Các em không đủ thời gian và hứng thú với việc tìm ra những minh triết trong mỗi tác phẩm. Giờ đọc hiểu đã mệt, nhưng có lẽ kinh hoàng nhất vẫn là những tiết học tập làm văn.
Học sinh được hướng dẫn xây dựng dàn ý và kĩ năng làm bài với từng kiểu bài. Nhưng khi cầm bút các em luôn gặp khó khăn. Vốn từ eo hẹp, ngữ pháp câu chưa vững, viết câu chưa sáng tạo, chưa biết vận dụng kĩ năng và huy động vốn từ…là những khó khăn thường gặp ở hầu hết các em.
Chợt nhớ đến câu nói của nhà văn Nga Sô-lô-khốp “Tôi muốn tác phẩm của tôi giúp mọi người trở nên tốt, có tâm hồn thuần khiết, tôi muốn chúng góp phần gợi dậy tình yêu con người, đồng loại và ý muốn đấu tranh mãnh liệt cho những lí tưởng của chủ nghĩa nhân đạo và sự tiến bộ của loài người.”.
Giá trị chân – thiện – mĩ văn chương khơi dậy hồn nhiên trong tâm trí người đọc dường như thật khó với việc dạy và học hiện nay.
Gần đây dư luận bàn không ít về vấn nạn “văn mẫu”, về cách dạy thi gì học nấy đã tồn tại hàng chục năm nay. Đặc biệt khi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu về quyết tâm đẩy lùi vấn nạn này, chúng tôi hoàn toàn đồng ý và vô cùng hoan nghênh.
Chúng tôi luôn mong muốn môn Văn được trả về đúng với ý nghĩa và bản chất vốn có của nó.
Việc dạy Văn chỉ nên dừng lại ở việc GV hướng dẫn kĩ năng, phương pháp học tập cho HS; dẫn dắt, khơi gợi giúp các em tự nhận ra ý nghĩa, giá trị của tác phẩm ở góc độ cá nhân; dạy các em biết cách quan sát, lắng nghe, đưa ra ý kiến và phản biện; giúp các em biết cách tự làm giàu vốn từ của mình, biết cách diễn đạt trong sáng và hình ảnh…
Thầy cô nên khuyến khích và định hướng các em đọc sách nhiều hơn bởi chỉ có đọc sách mới giúp các em phát triển tốt nhất năng lực môn Ngữ văn. Môn Văn sẽ trở nên dễ chịu và nhẹ nhàng hơn khi các em có thể hào hứng, tự tin review về một cuốn sách mình đọc, đưa ra những góc nhìn, cảm nhận hồn nhiên nhất của bản thân.
Tôi hi vọng chương trình Ngữ văn mới 2018 sẽ từng bước đẩy lùi vấn nạn dạy học theo văn mẫu hiện nay. Khi nội dung và cách thức thi thay đổi, mục tiêu đề thi hướng vào phát triển năng lực người học, ắt hẳn văn mẫu không còn đất sống.
Trần Thị Thảo – TTCM, GV Văn, Trường THCS Ban Mai – Hà Đông