Thiết bị dạy học là những phương tiện vật chất giúp cho giáo viên và học sinh tổ chức hợp lí có hiệu quả, quá trình giáo dục, giáo dưỡng đối với các môn học trong nhà trường nhằm thực hiện chương trình dạy học.
Trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học, thiết bị đồ dùng dạy học là một trong những điều kiện cơ bản không thể thiếu để giáo viên, học sinh thực hiện mục tiêu dạy học.
Đối với học sinh Tiểu học, thiết bị dạy học lại càng đặc biệt quan trọng vì nó giúp các con quan sát sự vật, hiện tượng một cách trực quan, giúp HS nhận thức sâu hơn nội dung bài học, hình thành kĩ năng, kĩ xảo.
Trong quá trình dạy học môn Tự nhiên và Xã hội, Tiếng Anh, Mĩ thuật, Tiếng Việt, Kĩ năng sống, các BMSers khối 3 nhận thấy học sinh rất khó tưởng tượng hình ảnh tổng quan của làng quê, của đô thị, học sinh khó nhớ khi chỉ đường qua các ngã tư, ngã ba khi học Tiếng Anh, khó xác định đi bên phải, bên trái khi học những bài học về tham gia giao thông…
Xuất phát từ nhu cầu học thực tế như trên từ học sinh, các cô giáo thuộc tổ Tiếng Việt 3 của Banmai School nảy ra ý tưởng làm đồ dùng này để đáp ứng nhu cầu dạy học.
MÔ HÌNH LÀNG QUÊ VÀ ĐÔ THỊ là sản phẩm:
1/ Đã được sử dụng trong Hội thi Giáo viên dạy Giỏi cấp Quận năm học 2015 – 2016.
2/ Tham gia Hội thi Đồ dùng dạy học tự làm cấp quận và đạt giải A.
3/ Được lựa chọn tham gia thi Đồ dùng dạy học tự làm cấp thành phố, đạt giải 3
VỀ TÍNH NĂNG, ỨNG DỤNG CỦA MÔ HÌNH:
1. Tính ứng dụng :
Mô hình LÀNG QUÊ và ĐÔ THỊ được ứng dụng vào các môn, các bài trong chương trình tiểu học. Cụ thể như sau:
a/ Môn Tự nhiên và Xã hội: Có thể áp dụng trong một số bài. Cụ thể là:
– Bài: Cuộc sống xung quanh em (lớp 1)
– Bài 27- 28: Tỉnh thành nơi em đang sống (lớp 3)
– Bài 36: Vệ sinh môi trường (lớp 3)
– Bài 31: Hoạt động công nghiệp và thương mại (lớp 3)
– Bài 30: Hoạt động nông nghiệp (lớp 3)
b/ Môn Tiếng Việt: Có thể áp dụng trong một số bài. Cụ thể là:
* Phân môn Tập đọc:
– Bài: Về quê ngoại (lớp 3)
– Bài: Vẽ quê hương (lớp 1)
– Phân môn LTVC: MRVT Quê hương, MRVT thành thị và nông thôn….
– Phân môn Tập làm văn: Nói ,viết về thành thị và nông thôn; Nói, viết về cảnh đẹp đất nước; Nói, viết về quê hương…
c/ Môn Đạo đức:
– Bài: Bảo vệ cây và hoa nơi công cộng (lớp 1)
– Bài: Đi bộ đúng quy định (lớp 1)
d/ Môn Mĩ thuật:
* Lớp 1:
– Bài: Vẽ tranh Ngôi nhà của em.
– Bài: Quan sát các tòa nhà.
– Bài: Làm mô hình nhà bằng vật liệu tái chế (tiết tăng cường)
– Bài: Vẽ màu vào hình vẽ phong cảnh
– Bài: Cắt, dán và trang trí ngôi nhà
* Lớp 2:
– Bài: Vẽ tranh đề tài Vệ sinh môi trường
– Bài: Vẽ tranh đề tài Phong cảnh
– Bài: Vẽ tranh đề tài Phong cảnh khu phố về đêm
* Lớp 3:
– Bài: Thiết kế và sơn màu các tòa nhà (Bài tăng cường)
– Bài: Diện mạo của thành phố (Bài tăng cường)
– Bài: Thành phố trong tương lai (Bài tăng cường)
* Lớp 4:
– Bài: Xem tranh phong cảnh
– Bài: Vẽ tranh theo đề tài “Phong cảnh quê hương“
d/ Tiếng Anh:
Dạy học về những bài: Địa điểm trong thành phố; Địa điểm ở nông thôn; Phương tiện giao thông; Hướng dẫn chỉ đường; Nội quy về giao thông…
e/ Kĩ năng sống:
– An toàn giao thông.
– Thiết kế đô thị trong tương lai.
2.Tính linh hoạt:
– Mô hình LÀNG QUÊ và ĐÔ THỊ ngoài việc mô phỏng các bài liên quan trong Sách giáo khoa thì giáo viên có thể cho học sinh di chuyển các chi tiết như nhà, cây, xe, con vật, bể bơi, cánh đồng…. và sắp xếp lại theo suy nghĩ, theo sáng tạo của các em cho phù hợp với bài học.
– Giáo viên có thể nhấc các chi tiết trong mô hình và phát về cho cho các nhóm quan sát, thảo luận. Ví dụ: Khi tìm hiểu về Đình làng, Chùa chiền, những sự vật mà học sinh ít nhìn thấy, giáo viên có thể nhấc sự vật đó lên cho học sinh quan sát, học sinh có thể di chuyển mô hình đình làng đến các bàn, các nhóm.