Tuyển sinh Ban Mai

THẦY CÔ GIÁO RỬA CHÂN CHA MẸ MÙA VU LAN

Ngày lễ Vu Lan là dịp “nhắc nhở” các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên, cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước.

Vu Lan cũng là dịp giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hóa Phật giáo, đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”…

Ngày 7/8, một chương trình Tri ân cha mẹ – kính mừng đại lễ Vu Lan do các thầy cô giáo của trường Mầm non – Tiểu học Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) tổ chức đã diễn ra trong không khí trang trọng và xúc động. Tất cả các bậc phụ huynh của các cán bộ, giáo viên trong trường đều không kìm được nước mắt khi lần đầu tiên được con báo hiếu bằng hình thức quỳ gối dâng trà và rửa chân cho cha mẹ.

Việc con cái quỳ lạy, rửa chân cho mẹ được xuất phát từ Hàn Quốc, thường diễn ra vào ngày 8/5. Trong ngày này, nhiều trường học từ Mầm non đến cấp 3 tại Hàn Quốc tổ chức quỳ lạy đấng sinh thành để học sinh thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ. Hoạt động này nhận được sự ủng hộ lớn của cộng đồng vì nó không chỉ thể hiện chữ Hiếu trong đạo làm con, mà còn giúp gắn kết thêm tình cảm gia đình giữa cha mẹ và con cái. Đó cũng là lý do mà hoạt động quỳ gối rửa chân này lan sang Trung Quốc, Nhật Bản.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, hoạt động này đã dần xuất hiện trong các trường học, trong lễ Vu Lan tại nhiều ngôi chùa tại Việt Nam. Có nhiều người ủng hộ, song cũng có những người “khó tính” thì cho rằng nó chỉ mang tính hình thức.

Thực ra trong lòng mỗi người con – dù là còn nhỏ hay khi đã trưởng thành, dù là người sống tình cảm, có hiếu hay những người còn khiến cha mẹ phiền lòng, chưa vui thì từ sâu thẳm trái tim vẫn luôn chứa đựng những tình yêu thương, lòng biết ơn dành cho cha mẹ mình.

Tuy nhiên trong cuộc sống bận rộn ngày nay, không phải ai cũng có thể nói ra thành lời với cha mẹ mình rằng: Con cảm ơn, con xin lỗi…- dù cho những lời cảm ơn, xin lỗi này chúng ta lại thường xuyên nói với bạn bè, đồng nghiệp, và cả những người xa lạ trong cuộc sống.

Cha mẹ luôn là người cho con tất cả, thậm chí không tiếc cả mạng sống của mình vì con. Từ khi sinh ra, cha mẹ luôn là người tắm rửa, lo cả chuyện tiểu tiện, đại tiện của con – cho đến khi con có thể tự lập được. Nhưng không phải người con nào cũng có cơ hội một lần rửa chân cho cha mẹ. Nhất là trong ngày thường, càng khó có sự tự nhiên và môi trường tạo cảm xúc để hành động đó diễn ra.

Vậy nên, rất cần những hoạt động tạo cơ hội, truyền cảm hứng, khơi gợi tình yêu thức dậy thật lớn lao như thế này, để mỗi người con tự tin, thậm chí tự hào khi được thể hiện tình yêu, lòng biết ơn với cha mẹ qua cả hành động và lời nói.

Dù có thể báo hiếu cha mẹ là việc cả đời – nhưng vẫn rất cần những ‘cú hích” truyền cảm hứng, động lực như thế này để lan tỏa và nhắc nhở con cái thường xuyên nghĩ về công ơn cha mẹ.

Và có lẽ chỉ khi nào bạn thực sự là người trong cuộc, bạn mới hiểu được hết cảm giác ý nghĩa, sự trỗi dậy của tình yêu, cả sự ăn năn hối lỗi trong lòng mỗi người con khi quỳ gối rửa chân cho cha mẹ. Những giọt nước mắt, những lời tâm sự, những cái ôm, và cả sự gắn kết tình cảm gia đình sau khi kết thúc chương trình là có thực, nó không phải là diễn như nhiều người nhìn nhận.

Khi những người lớn thực hành việc báo hiếu cha mẹ như vậy, các em nhỏ có cơ hội chứng kiến, học sinh thấy thầy cô giáo của mình quỳ lạy rửa chân cho cha mẹ cũng sẽ lấy đó làm gương để khơi dậy trong các em những mong muốn một ngày nào đó cũng sẽ thể hiện lòng biết ơn, sự hối lỗi qua hình thức quỳ gối rửa chân như vậy.

XEM THÊM ẢNH TẠI ĐÂY

 Xem tin trên báo VNE:

http://vnexpress.net/photo/giao-duc/thay-co-giao-quy-goi-rua-chan-cho-cha-me-3449792.html