Thay vì thầy giảng, trò chép, học sinh tham gia dự án Chí Phèo sẽ tự mình tìm hiểu và hóa thân vào thành anh Chí, Thị Nở…chính các nhân vật trong tác phẩm.
Làm sao để khiến học sinh thích thú khi học và tiếp nhận các tác phẩm văn học là một câu hỏi khiến những giáo viên dạy môn Ngữ văn phổ thông trăn trở.
Cũng với trăn trở đó thầy Nguyễn Văn Khoa – giáo viên Ngữ văn trường Trung học cơ sở – Trung học Phổ thông Ban Mai đã cùng học trò tạo ra những giây phút trải nghiệm thực sự thú vị khi học tác phẩm Chí Phèo.
Thay vì ngồi trên lớp thầy giảng, trò nghe và chép, các học sinh lớp 11A1 trường Trung học cơ sở – Trung học phổ thông Ban Mai và thầy giáo dạy văn của mình đã làm “sống” lại các nhân vật trong tác phẩm theo cách cảm nhận của chính họ.
Thầy Nguyễn Văn Khoa lập kế hoạch và giao nhiệm vụ cho các nhóm. Ảnh: NVCC |
Thầy và trò lớp 11A1 đã chuyển thể tác phẩm Chí Phèo thành phim với diễn viên là chính các em học sinh.
Đây là sự đổi mới trong phương pháp dạy học, góp phần khơi nguồn sáng tạo và sự hứng khởi của học sinh khi tiếp cận với môn Ngữ văn 11.
Dự án phim Chí Phèo được tập thể lớp 11A1 thực hiện trong 2 tuần.
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Khoa, dạy văn theo kiểu truyền thống các em rất khó tiếp thu vì thường hay theo “kiểu ru ngủ”, thầy giảng, trò chép rất thụ động.
“Trong khi đó, khi tìm hiểu về năng lực thực tế của các con, tôi nhận thấy các con có rất nhiều năng lực khác nhau. Trong đó có khả năng tổ chức sự kiện, khả năng dẫn chương trình diễn kịch, biên kịch, đạo diễn…Những yếu tố đó cũng phù hợp với việc rèn kỹ năng sau này cho các con.
Các con cũng tâm sự nếu thầy tổ chức các dự án khơi gợi được khả năng sáng tạo, làm việc nhóm, học tập trải nghiệm các con cảm thấy học văn nhẹ nhàng, thú vị, nhớ lâu hơn.
Từ lúc tìm hiểu nguyện vọng của các con muốn học tập theo mô hình “học mà chơi”, tôi đã đưa ra ý tưởng này”, thầy Khoa cho biết.
Mục đích của dự án không chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản về nhà văn Nam cao, về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Chí Phèo mà còn rèn luyện cho học sinh tư duy sáng tạo, logic. Đặc biệt là phát triển năng lực tổ chức sự kiện, hợp lực và xử lí tình huống.
Không những thế dự án còn có tích hợp liên môn và nội môn. Ngay trong môn Ngữ văn khi thực hiện dự án học sinh sẽ được thực hành những kiến thức về phong cách ngôn ngữ báo chí, bản tin, phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.
“Hóa thân” vào các nhân vật trong tác phẩm. Ảnh: Nhà trường cung cấp. |
Thầy Nguyễn Văn Khoa cho biết, có nhiều người đặt câu hỏi tại sao giáo viên lại chọn tác phẩm Chí Phèo. Thầy Nguyễn Văn Khoa chia sẻ: “Tôi nhận thấy quan điểm về nghề giáo của tôi rất gần với quan điểm về nghề văn của nhà văn Nam Cao.
Nhà văn Nam Cao có nói là: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài khuôn mẫu đưa cho.
Văn chương chỉ dung nạp những ai biết đào sâu biết tìm tòi, khơi những gì chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có.
Tôi nghĩ một giáo viên dạy văn cũng vậy, không phải cứ soạn giáo áo hết năm này sang năm khác để dập khuôn máy móc bài giảng như vậy mà bài giảng cũng cần sự sáng tạo.
Đặc biệt là kích thích được khả năng và tư duy của học sinh”.
Bên cạnh đó, tác phẩm Chí Phèo cũng để lại rất nhiều trăn trở cho giáo viên và học sinh.
Vì trong tất cả tác phẩm hiện thực phê phán giai đoạn 1930 -1945, chỉ nói đến việc con người ta bị bóc lột vật chất, của cải nhưng đối với Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, điều làm nên sự thành công của nhà văn là con người ta không những bị bóc lột về vật chất mà con đang bị tước mất quyền làm người, bị tha hóa.
Đó cũng là yếu tố nhân văn mà tác giả muốn truyền đạt qua tác phẩm. Đọc và tìm hiểu kỹ tác phẩm, học sinh sẽ trân trọng hơn những giá trị của cuộc sống hiện tại các em đang có để sống tốt hơn.
“Anh chàng” Chí Phèo do em Cấn Xuân Nam hóa thân. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Là một trong những người tham gia đóng nhân vật chính, học sinh Cấn Xuân Nam lớp 11A1 (vào vai Chí Phèo) tâm sự: “Con rất mong muốn thầy, cô tổ chức nhiều dự án thiết thực như dự án Chí Phèo.
Phương pháp học không theo lối mòn, quá trình chủ động tìm hiểu khiến cho mỗi học sinh nắm chắc vấn đề, nhớ lâu hơn.
Thông qua dự án, chúng con đã được sống cùng nhân vật, vui buồn cùng nhân vật…chính vì vậy mà chúng con hiểu bài sâu sắc hơn”.
3 giai đoạn của dự án dạy học tác phẩm Chí PhèoGiai đoạn 1: Hình thành ý tưởng và tiến hành dự ánTrong giai đoạn này giáo viên chia nhỏ học sinh theo từng nhóm. Mỗi nhóm sẽ thực hiện một nhiệm vụ của dự án.Nhóm thực hiện quay video phỏng vấn giáo viên, học sinh, người dân Hà Nam về sự hiểu biết của mình về nhà văn Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo.Nhóm biên kịch, đạo diễn đóng tiểu phẩm Chí Phèo; nhóm thì tập những bài hát, sưu tầm những bài thơ, bài viết về nhà văn và tác phẩm,…Học sinh có thể tiến hành dự án ngay trên lớp, trong thư viện, ngoài sân trường, trong phòng tin học….Giai đoạn 2: Trải nghiệm thực tếHọc sinh được về xã Hòa Hậu, Lí Nhân, Hà Nam để nghe thuyết minh về nhà văn Nam Cao (do học sinh thuyết minh), để hiểu về Làng Vũ Đại ngày ấy, đóng tiểu phẩm ngay trong nhà Bá Kiến, mảnh vườn của Lão Hạc, được nghe người dân kể về những mảnh đời, những số phận con người trước năm 1945 tại làng Vũ Đại.Giai đoạn 3: Báo cáo dự án.Học sinh báo cáo dự án theo hình thức tổ chức sự kiện. Đó chính là sự kiện ra mắt phim Chí Phèo.Trong buổi báo cáo, ngoài những tiết mục văn nghệ đặc sắc, những phóng sự, bản tin về dự án, về tác giả Nam Cao, học sinh sẽ được xem lại tiểu phẩm Chí Phèo do chính học sinh đóng.Quan trọng hơn cả đó chính là phần phỏng vấn đạo diễn, diễn viên về bộ phim. Qua cuộc phỏng vấn các em học sinh đã làm rõ được những kiến thức cơ bản về nhà văn Nam Cao và tác phẩm như: ý nghĩa nhan đề, ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo, tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người… |
Theo: http://giaoduc.net.vn