Mục tiêu chung của chương trình GDPT mới của môn Toán là giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực toán học đặc thù, tạo cơ hội trải nghiệm, áp dụng toán học vào đời sống thực tiễn thông qua những đề tài, dự án học tập về Toán.
Thay vì chỉ dạy học sinh cách áp dụng công thức nào để giải được phương trình, cần cho học sinh biết điều đó có ý nghĩa nào?
Dạy Toán phải liên tục đặt ra các câu hỏi, khơi gợi trí tò mò, kích thích học sinh tìm nhiều lời giải khác nhau cho một đề bài?
Không tập trung vào những công thức khô khan, mà biến Toán học trở thành người bạn gần gũi, giải thích những vấn đề hữu dụng cho cuộc sống thông qua các hoạt động, dự án thực tế?
Đó là cách Thầy Cô giáo Tổ Toán – Trường THPT Ban Mai xây dựng dự án học tập môn Toán – Khối 10 với chủ đề “Chinh phục những đỉnh cao” tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
TOÁN HỌC GẮN LIỀN VỚI THỰC TẾ
Nội dung của dự án học tập gắn liền với các kiến thức Toán học liên quan đến hệ thức lượng trong tam giác và áp dụng vào các bài toán thực tế:
Học sinh tìm hiểu về lịch sử hình thành của lượng giác, các hệ thức lượng trong tam giác và trình bày các công thức đó dưới dạng sơ đồ tư duy.
Thầy cô giới thiệu và hướng dẫn học sinh sử dụng “giác kế” – dụng cụ được sử dụng trong quá trình đo đạc.
Giải các bài toán từ những hình ảnh thực tế có ở Làng văn hóa: tính chiều cao của tháp Chăm và chùa Khơ mer. Tính khoảng cách giữa hai vật bị ngăn cách bởi hồ nước, tính diện tích mảnh đất hình tứ giác, tính bán kính đài phun nước?
Học sinh các lớp lên ý tưởng tìm ra hướng giải quyết và xây dựng các mô hình tượng trưng.
CÁC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TOÁN HỌC THÚ VỊ
Khởi động dự án bằng trò chơi “Rung chuông vàng” với 15 câu hỏi thú vị, hấp dẫn và đầy thách thức liên quan đến các nội dung của dự án.
Hành trình chinh phục những đỉnh cao: Học sinh các lớp được chia thành các nhóm, thực hiện tại các địa điểm thực tế của các bài toán đã được đặt ra trước đó, tiến hành đo đạc, ghi lại các thông số và xử lí số liệu tính toán đưa ra đáp số cho bài toán, trình bày lời giải trên giấy
Báo cáo sản phẩm của lớp mình thông qua các điểm trạm: Mỗi lớp là một điểm trạm với các sản phẩm đã chuẩn bị. Học sinh đóng vai trò là chuyên gia báo cáo chia sẻ lời giải của lớp mình khi học sinh các lớp khác tiến hành tham quan, tìm hiểu tại các điểm trạm. Các học sinh lớp khác khi đi tham quan điểm trạm sẽ hiểu được lời giải của các bài toán và trình bày lại được vào “phiếu dự án” của mình đã được phát.
Hoạt động trải nghiệm diễn ra vô cùng sôi nổi, tích cực giúp cho học sinh tăng cường khả năng sáng tạo, học đi đôi với hành. Học sinh nhiệt tình, hào hứng tham gia khiến buổi học tập thực tế trở nên rất thú vị và mang lại kết quả tốt giúp học sinh hoàn thiện nhiệm vụ của dự án mà các con đang thực hiện.
Thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế học sinh đã nhận ra rằng có rất nhiều những khoảng cách, chiều cao mà ta không thể đo trực tiếp được, nhưng việc đó sẽ trở nên dễ dàng khi ta áp dụng kiến thức toán học thực hiện.
Thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế học sinh đã nhận ra rằng có rất nhiều những khoảng cách, chiều cao mà ta không thể đo trực tiếp được, nhưng việc đó sẽ trở nên dễ dàng khi ta áp dụng kiến thức toán học thực hiện.
Qua đó học sinh có cách nhìn nhận khác hơn về môn toán, toán học không còn khô khan và khó hiều nữa, toán học luôn gần gũi và vô cùng thú vị