Tuyển sinh Ban Mai

CHUỖI CHUYÊN ĐỀ : BỎ TÚI “BÍ KÍP” ÔN THI TỐT NGHIỆP THPT QUỐC GIA NĂM 2023

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2023 đang đến gần. Đây chính là thời điểm ôn thi nước rút của các bạn học sinh khối 12. Bạn cần phải chuẩn bị ngay một lộ trình ôn thi THPT quốc gia ngay từ bây giờ, để không bao giờ phải hối tiếc vì đã không chuẩn bị kiến thức đầy đủ trước khi bước vào kì thi cuối cùng sau 12 năm đèn sách. 

Bằng kinh nghiệm giảng dạy, ôn thi, nghiên cứu, nhận định đề thi qua nhiều năm, các Thầy cô giáo THPT Ban Mai sẽ đồng hành cùng các bạn, hướng dẫn phương pháp ôn thi THPT Quốc gia 2023 hiệu quả và đạt được mục tiêu.

HƯỚNG DẪN ÔN TẬP MÔN TOÁN

Theo thầy Ngô Văn Toản, giáo viên Toán Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội), đến thời điểm này, sau khi trải qua các kì thi thử của nhà trường, Sở GD&ĐT, làm đề thầy cô giao, học sinh cũng đánh giá được lực học môn Toán của bản thân. Chính vì vậy, các em cần thiết lập được mục tiêu, lập kế hoạch ôn tập phù hợp với bản thân và quyết tâm, nỗ lực, học tập nghiêm túc để hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Căn cứ vào đề minh họa, đề thi các năm trước, học sinh ôn tập lại chuyên đề, dạng bài thường gặp từ mức độ cơ bản đến nâng cao. Điều này giúp các em có kiến thức cơ bản chắc chắn, hạn chế sai sót trong quá trình làm bài. Đồng thời, thông qua các dạng bài cụ thể giúp các học sinh rèn luyện, hình thành kĩ năng giải toán.

Chẳng hạn: Chủ đề ứng dụng đạo hàm và khảo sát hàm số: Học sinh cần nhớ các khái niệm đơn điệu, cực trị, tiệm cận của đồ thị hàm số; chú ý đến kĩ năng xét dấu, kĩ năng đọc thông tin từ đồ thị và bảng biến thiên. Đặc biệt, học sinh lưu ý đến sự hỗ trợ của máy tính cầm tay để giải toán nhanh hơn. Đối với mỗi nội dung, cần hệ thống lại các kiến thức để làm trắc nghiệm nhanh.

Đối với chủ đề Hàm số mũ, hàm số lũy thừa và lôgarit: Học sinh cần nhớ các tính chất và phép toán của chúng. Học sinh nên viết đi viết lại nhiều lần các công thức cho nhớ kết hợp với làm bài tập liên quan.

Đối với đồ thị các hàm số trên, học sinh nắm vững tập xác định, công thức tính đạo hàm, tính đơn điệu của hàm số và các dạng đồ thị của hàm số tương ứng. Phân biệt đồ thị của các hàm số.

Đối với phương trình và bất phương trình mũ, lôgarit: Cần nhớ phương pháp giải các dạng cơ bản, đặc biệt quan tâm đến hệ số của nó; có thể sử dụng máy tính cầm tay để kiểm tra kết quả.

Chủ đề nguyên hàm, tích phân và ứng dụng: Cần nhớ khái niệm nguyên hàm và các tính chất của nguyên hàm, nhớ công thức nguyên hàm cơ bản, nguyên hàm mở rộng, nhớ công thức tích phân và tính chất của tích phân. Học sinh quan tâm đến phương pháp tính tích phân của các hàm phân thức, hàm vô tỉ, hàm lượng giác, các phương pháp tính tích phân: Phương pháp đặt ẩn phụ, phương pháp tích phân từng phần. Trong nội dung ứng dụng của tích phân, cần chú ý đến các công thức tính diện tích, tính thể tích và rèn luyện kĩ năng đọc thông tin từ đồ thị hàm số.

Thầy giáo Ngô Văn Toản – GV Toán – Trường THPT Ban Mai

Đối với chủ đề số phức: Cần nắm vững khái niệm số phức, phần thực, phần ảo, modul số phức, số phức liên hợp, số phức nghịch đảo, hai số phức bằng nhau và biểu diễn số phức. Đặc biệt các học sinh cần phải biết sử dụng máy tính cầm tay để hỗ trợ giải toán nhanh hơn; nhớ được mối quan hệ, giải bài toán phương trình bậc hai trên tập số phức.

Đối với chủ đề: Hình học không gian thuộc chương trình 1, cần chú trọng ôn tập các bài toán liên quan đến góc, đến khoảng cách, kĩ năng chia hình trong tính toán thể tích. Một số kiến thức lớp 11 liên quan như đường thẳng vuông góc mặt phẳng, hai mặt phẳng vuông góc với nhau, học sinh nên ôn tập lại cho thật chắc.

Chủ đề khối tròn xoay: Cần nắm vững khái niệm, các công thức liên quan đến khối nón, khối trụ và khối cầu. Những bài toán dạng thiết diện của mặt phẳng với các khối nón, khối trụ cũng cần làm nhiều để quen dạng toán.

Khi ôn tập chủ đề Phương pháp tọa độ trong mặt phẳng: Học sinh cần chú ý đến những khái niệm cơ bản như vectơ pháp tuyến của mặt phẳng, vectơ chỉ phương của đường thẳng, điểm thuộc đường thẳng, điểm thuộc mặt phẳng hoặc phương trình tổng quát của mặt phẳng, phương trình tham số của đường thẳng, tâm và bán kính mặt cầu, tương giao của đường thẳng và mặt phẳng, tương giao giữa hai mặt phẳng, bài toán góc và khoảng cách.

Đối với chủ đề cấp số cộng, cấp số nhân: Học sinh chỉ cần nắm vững khái niệm, công thức số hạng tổng quát, tính chất và tổng n số hạng đầu của dãy số.

Chủ để tổ hợp và xác suất: Học sinh chú ý đọc kĩ lí thuyết, phân biệt các khái niệm hoán vị, chỉnh hợp và tổ hợp, đặc biệt chú ý đến bài toán đếm và các bài toán tính xác suất.

Luyện đề để nâng cao kỹ năng làm bài

Bên cạnh việc ôn tập lại các chuyên đề, thầy Ngô Văn Toản cũng lưu ý học sinh cần luyện đề có cấu trúc tương tự đề thi tốt nghiệp để nâng cao kỹ năng làm bài.

Trong giai đoạn ôn tập các chuyên đề, lượng bài tập cũng tương đối nhiều, học sinh làm tối thiểu hai đề trên một tuần, sau đó tăng dần số lượng đề khi kết thúc giai đoạn ôn tập chuyên đề.

Một số điểm lưu ý khi luyện đề đó là: Đề thi thử cần chọn lọc (nên chọn đề thi thử của các sở, trường THPT chất lượng cao); lập cuốn sổ nhật kí ghi lại kết quả mỗi lần làm đề (ghi lại các sai sót, phần lý thuyết bị quên, cách giải hay) để rút kinh nghiệm cho những lần làm đề tiếp theo. Sau mỗi đề thi, học sinh ghi lại nhật kí ôn tập: Làm trong bao lâu, mất điểm ở vấn đề nào, lí do mất điểm, kinh nghiệm cho lần tiếp theo là gì?…

Một lưu ý khác là học sinh cần tích cực trao đổi những vấn đề chưa hiểu với thầy cô, học sinh bè. Khai thác tài liệu hay trên mạng internet cũng như tham gia các nhóm học tập trên mạng xã hội để biết thêm các kiến thức mới, cách giải mới.

Việc ôn thi tốt nghiệp khá vất vả và căng thẳng, học sinh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể thao một cách phù hợp để có thể trạng tốt. Đặc biệt cần giữ được tinh thần lạc quan, tự tin. Nếu gặp vấn đề gì khó khăn, các em nên trao đổi với bố mẹ, thầy cô và học sinh bè để tránh áp lực, căng thẳng ảnh hưởng không tốt đến quá trình ôn thi.

Xem thêm bài đăng trên Báo Giáo dục thời đại: https://giaoducthoidai.vn/tong-on-mon-toan-the-nao-truoc-ky-thi-tot-nghiep-thpt-post634451.html

HƯỚNG DẪN ÔN TẬP MÔN VẬT LÍ

Cô Phạm Thị Minh Nguyệt, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) lưu ý ôn thi theo từng nhóm năng lực học sinh.

Theo đó, học sinh có học lực yếu, mất gốc kiến thức, nên đặt mục tiêu từ 5-6 điểm. Nếu tính 3 môn, mỗi môn khoảng 5 điểm, các em vẫn có cơ hội vào các trường ở mức độ trung bình 15-18 điểm. Với lực học và mục tiêu này, học sinh tập trung học những chuyên đề dễ “ăn điểm” trước (thường tập trung tại các chương ở học kỳ 2 lớp 12 và các vấn đề cơ bản của 3 chương học kỳ 1 lớp 12).

Trong quá trình hoàn thành các chương học kỳ 2, học sinh nên học chắc để tránh phải vòng lại. Tầm cuối tháng 4, các em quay lại ôn tập 3 chương học kỳ 1; cuối tháng 4, đầu tháng 5 tập trung luyện đề.

Đối với học sinh có học lực trung bình, trung bình khá: Nếu điểm thi thử đạt từ 5-6 điểm, các em nên đặt mục tiêu 7 – 8 điểm để phấn đấu các trường tốp cận trên với điểm chuẩn dao động từ 17 – 20 điểm. Cách học theo hướng khắc phục vấn đề còn yếu (có thể tự tìm bài tập, luyện tập và so sánh đáp án). Ngoài ra nên làm thêm các vấn đề ở mức độ nâng cao, các vấn đề mới. Trong giai đoạn này, học sinh nên lựa chọn hình thức học là luyện hệ thống đề thi chuẩn mực và chất lượng.

Cô Phạm Thị Minh Nguyệt – GV Vật Lí – Trường THPT Ban Mai

Với những học sinh có học lực khá, giỏi, nên đặt mục tiêu 9 – 10 điểm để có động lực phấn đấu các trường tốp trên. Các em tìm các câu hỏi khó, lạ để rèn luyện thêm (các câu trong chương trình học). Các câu hỏi này thường nằm ở các chuyên đề Dao động cơ, Sóng cơ, Điện xoay chiều.

Học sinh cần lưu ý, để tăng từ 4 lên 7 điểm dễ hơn rất nhiều việc tăng từ 8 lên 9 hoặc từ 9 lên 10. Điểm 9, 10 yêu cầu sự chính xác, tốc độ làm bài nhanh. Vì thế, học sinh cần rèn luyện đề để rèn phản xạ tức thì; đồng thời nên tự xây dựng quy trình giải nhanh riêng cho bản thân hoặc các quy tắc nhớ riêng của bản thân.

Đưa thêm một số lưu ý chung trong quá trình ôn tập kiến thức, cô Phạm Thị Minh Nguyệt cho rằng: Học sinh phải hết sức tập trung vào những nội dung vừa sức và dễ lấy điểm dựa theo năng lực của mình.

Có các dạng bài tập trọng tâm, điển hình trong đề thi mà năm nào hầu như cũng có. Để rút ra những dạng bài này, học sinh có thể tham khảo phân tích cấu trúc đề thi đại học môn Vật lí trong những năm gần đây. Tránh học những nội dung đã giảm tải để tiết kiệm thời gian.

Xem thêm bài đăng trên Báo Giáo dục Thời đại: https://giaoducthoidai.vn/kinh-nghiem-on-tap-nuoc-rut-thi-tot-nghiep-thpt-mon-vat-li-post634346.html

HƯỚNG DẪN ÔN TẬP MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN

Theo thầy Trương Văn Minh, tốt nghiệp THPT là một kỳ thi vô cùng quan trọng, đánh giá cả quá trình tích lũy kiến thức của bậc THPT, đặc biệt là lớp 12 của học sinh; đồng thời mở ra cánh cửa mới – cánh cửa nghề nghiệp trong tương lai.

Để có kết quả thi tốt, học sinh phải có kiến thức vững chắc và kỹ năng làm bài tốt. Vì vậy, khâu ôn tập giúp học sinh nắm được đầy đủ kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng, liên hệ thực tế và kỹ năng làm bài hiệu quả để tự tin bước vào kỳ thi quan trọng một cách chủ động.

Đối với môn Giáo dục công dân, cần phải đảm bảo nội dung chương trình bài học, không cắt xén chương trình. Giáo viên phải cung cấp đủ cho học sinh kiến thức các mức độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp và vận dụng cao.

Ôn tập phần này, thầy Trương Văn Minh lưu ý, học sinh có thể luân phiên nhắc lại kiến thức đã học bằng hệ thống các “từ khóa chung”. Đây là một phần rất quan trọng để học sinh nhớ nhanh, nhớ lâu mà tốn ít thời gian. Bằng hệ thống từ khóa này các con có thể ghi nhớ kiến thức luôn ngay khi học tập ở trên lớp.

Ngoài ra, sơ đồ tư duy cũng là phương pháp kết nối mang tính đồ hoạ có tác dụng lưu giữ, sắp xếp, xác lập thông tin bằng cách sử dụng từ hay hay hình ảnh then chốt hoặc gợi nhớ nhằm làm bật lên các ký ức cụ thể và phát sinh các ý tưởng mới.

Phương pháp này khai thác khả năng ghi nhớ và liên hệ các dữ liệu lại với nhau bằng một cấu trúc cơ bản được phát triển rộng ra từ trung tâm. Chúng được dùng bởi các đường kẻ, biểu tượng, hình ảnh đơn giản, dễ hiểu.

Sơ đồ tư duy giúp học sinh có được cái nhìn tổng quan về bài học, hệ thống kiến thức được tổ chức chặt chẽ, quan hệ giữa các ý được chỉ ra tường tận. Ý càng quan trọng, càng gần trung tâm, giúp não hoạt động nhẹ nhàng nhưng lưu trữ nhiều và nhớ kiến thức được, nhanh hơn, lâu hơn.

Thầy Trương Văn Minh – Giáo viên GDCD – Trường THPT Ban Mai

Cùng với đó, thầy Trương Văn Minh cho rằng, việc lấy ví dụ thực tiễn minh hoạ và xây dựng bài tập trắc nghiệm thực hành cũng rất quan trọng. Đây là phần rất quan trọng trong quá trình ôn tập.

Môn Giáo dục công dân là môn học có kiến thức gần gũi với cuộc sống, vì vậy học sinh phải biết vận dụng lý thuyết để giải quyết các tình huống thực tiễn một cách hợp lý thì mới đạt yêu cầu về kỹ năng, thái độ.

Tuy nhiên, đa số học sinh thường hay phạm lỗi chỉ học thuộc kiến thức trong sách giáo khoa một cách thụ động mà chưa hiểu rõ bản chất từng đơn vị kiến thức, vì vậy chưa phân biệt được các dạng kiến thức trong bài, để từ đó biết đánh giá, nhận xét hành vi và có thái độ đúng đắn trước các hành vi đó.

Giáo viên phải lấy ví dụ tình huống pháp luật cụ thể và giải thích cho học sinh rõ vì sao lại chọn đáp án đó để học sinh hiểu bản chất vấn đề và biết vận dụng nếu gặp tình huống tương tự.

Với phương châm: học đi đôi với hành, sau mỗi bài học lý thuyết giáo viên cần có bài tập thực hành để học sinh vừa làm quen với phương pháp thi mới, vừa là cách để ôn lại, kiểm tra kiến thức mình đã được học thông qua hệ thống câu hỏi trắc nghiệm với các mức độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao). Cấp độ ôn tập từ dễ đến khó, từ thấp đến cao.

Cùng với đó, học lý thuyết từng bài đi đôi với làm bài tập thực hành. Sau khi học xong lý thuyết cũng là lúc “tổng ôn tập” với các đề luyện thi, là tổng hợp kiến thức của rất nhiều bài gộp lại theo cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT.

Để luyện khả năng thực chiến cho học sinh, cần ôn tập theo các dạng đề tình huống thực tế, tổ chức những kỳ thi thử để học sinh được cọ xát và thử lửa nhiều hơn.

Hệ thống đề thi và đề ôn thi giáo viên đưa ra cũng cần bám sát với đề tham khảo mang tính vận dụng cao để khi bước vào chinh phục kỳ thi chính thức. Nhờ đó, học sinh sẽ không bị bỡ ngỡ và choáng ngợp trước những câu hỏi vận dụng hóc búa và mang tính thách thức.

Và hơn thế, “mưa dầm thấm lâu” là phương pháp rất tốt giúp học sinh rèn luyện được kiến thức, các kỹ năng cần thiết để tự tin bước vào kỳ thi một cách chủ động, hiệu quả.

Xem thêm bài đăng trên Báo Giáo dục thời đại: https://giaoducthoidai.vn/huong-dan-on-thi-tot-nghiep-thpt-mon-giao-duc-cong-dan-post634573.html

KĨ NĂNG CẦN NHỚ KHI LÀM BÀI THI IELTS

 Cô Trần Minh Trang, giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) lưu ý thí sinh 5 nội dung quan trọng khi làm bài thi IELTS.

Kỹ năng làm bài thi đọc

Khi làm bài thi đọc, thí sinh lưu ý những nội dung sau:

Đọc và làm theo hướng dẫn: Trong đề bài có thể có quy định số từ được phép dùng cho mỗi câu trả lời. Học sinh cần kiểm tra các yêu cầu này và xác định loại thông tin mình cần.

Kiểm tra chính tả: Chính tả là một phần quan trọng khi làm bài thi IELTS Reading và IELTS Listening. Cho dù biết đáp án đúng nhưng nếu các em chép sai thì cũng coi trả lời sai. Vì vậy, học sinh hãy chú ý đến độ chính xác khi chép phần trả lời sang phiếu trả lời.

Phát triển các chiến lược cho mỗi loại câu hỏi: Việc thử đoán trước các câu trả lời và liên hệ với câu hỏi là rất quan trọng. Kỹ năng này không dễ dàng và học sinh cần luyện tập thật nhuần nhuyễn để có thể tự tin khi làm bài thi IELTS Reading.

Đoán trước câu trả lời: Hãy xem các từ vựng của câu hỏi một cách thật cẩn thận. Các em có thể đoán được từ câu hỏi xem mình phải đọc phần nào trong bài đọc và câu trả lời có thể là gì.

Cô Trần Minh Trang – GV Tiếng Anh – Trường THPT Ban Mai

Kỹ năng làm bài thi nghe

Trước mỗi phần, học sinh sẽ có một phút để đọc câu hỏi. Hãy chắc chắn rằng đã đọc kỹ và hiểu những gì các em cần nghe để viết câu trả lời. Lưu ý rằng, các yêu cầu về số từ được chỉ định trong câu trả lời, ví dụ: ngày/số, câu trả lời phải là ngày hoặc số. Ngoài ra, khi gạch nối được sử dụng giữa 2 yếu tố sẽ được tính là một từ, nếu không có dấu gạch ngang sẽ được tính là 2 từ.

Thứ hai, chính tả cũng rất quan trọng trong kỳ thi. Nghe và viết đúng chính tả có thể khó đối với người mới bắt đầu học tiếng Anh. Vì vậy, học sinh có thể viết sai chính tả trên giấy nháp nhưng khi chuyển sang phiếu trả lời phải chú ý viết cho đúng. Đặc biệt chú ý đến số nhiều.

Cuối cùng, học sinh có nhiều khả năng bị mắc kẹt với thông tin. Vì vậy, hãy lắng nghe cẩn thận và đừng mất tập trung để không bị bỏ lỡ thông tin quan trọng nhất. Có thể đây là câu trả lời các học sinh đang tìm kiếm.

Kỹ năng khi làm bài thi viết

Khi làm bài thi viết, điều đầu tiên cần chú ý là phân bổ thời gian hợp lý. Rất nhiều thí sinh bị trừ điểm vì viết quá chi tiết, mất nhiều thời gian cho phần giới thiệu, dẫn đến kết luận cẩu thả, sơ sài; hoặc dành quá nhiều thời gian cho bài đầu tiên nên thiếu thời gian khi làm bài thứ hai. Để trở thành một người viết bài luận thông minh, dễ đạt điểm cao, trước hết cần biết cách phân bổ thời gian hợp lý.

Cùng với đó, học sinh chọn nhiệm vụ mình cảm thấy tự tin để làm đầu tiên, không nhất thiết phải theo thứ tự. Nên dành vài phút để lập dàn ý cho bài viết, đặc biệt là bài viết task 2. Dành vài phút cuối để kiểm tra bài luận xem có lỗi chính tả hoặc ngữ pháp nào không.

Kỹ năng làm phần nói

Lời khuyên đầu tiên là không nên học thuộc lòng các câu hỏi mẫu, đặc biệt là phần 1 của bài thi nói. Ghi nhớ các câu trả lời mẫu và sử dụng trong bài thi nói sẽ khiến giám khảo không đánh giá đúng trình độ tiếng Anh của mình. Giám khảo sẽ thấy rằng học sinh đang sử dụng một bài kiểm tra nói mẫu và điều này có thể ảnh hưởng đến điểm số cuối cùng.

Đừng quá chú trọng vào việc dùng từ xa lạ, cao siêu. Học sinh có thể gây ấn tượng với giám khảo qua cách sử dụng từ vựng tinh tế và phức tạp trong bài thi nói của mình. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, nên tránh những từ mà mình chưa quen thuộc trước đó, vì các em có thể phát âm sai hoặc sử dụng sai ngữ cảnh. Những sai lầm này có thể ảnh hưởng đến điểm số.

Lưu ý trong ngày thi

Các giấy tờ quan trọng như hộ chiếu, chứng minh thư cần được kiểm tra và lưu giữ cẩn thận. Các em sẽ không được dự thi IELTS nếu thông tin không chính xác hoặc quên mang theo các giấy tờ tuỳ thân.

Đến sớm ít nhất 30 phút để có đủ thời gian hoàn thành các thủ tục trước khi vào phòng thi, bao gồm giấy tờ, nhận phòng và an ninh.

Giữ bình tĩnh và tự tin trong mọi trường hợp. Một tâm lý thoải mái, tự tin sẽ giúp học sinh vượt qua kỳ thi IELTS.

Nghe hướng dẫn ngay cả khi các học sinh đã biết cấu trúc bài thi IELTS và những yêu cầu để làm bài thi.

Trong mọi trường hợp, học sinh không thể chủ quan mà bỏ qua những lời khuyên và hướng dẫn của hội đồng thi.

Tuân thủ tất cả các quy tắc của hội đồng thi. Vào ngày thi, hãy nhớ tất cả các quy tắc, không bao giờ mắc bất kỳ lỗi nào để kỳ thi IELTS thành công nhất có thể.

Xem bài đăng trên Báo Giáo dục thời đại: https://giaoducthoidai.vn/ky-nang-can-nho-khi-lam-bai-thi-ielts-post634646.html

HƯỚNG DẪN ÔN TẬP MÔN TIẾNG ANH

Cô Phan Kim Phượng, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ 4 bước giúp học sinh ôn tập hiệu quả môn Tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT.

Cô Phan Kim Phượng – GV Tiếng Anh – Trường THPT Ban Mai

Bước 1: Tự đánh giá
Mục tiêu của bước này là học sinh làm quen với cấu trúc đề thi; tự đánh giá năng lực bản thân xem
nắm được kiến thức, dạng bài mình làm tốt như thế nào. Đồng thời ở bước này cũng nhằm phát hiện
những dạng bài, kiến thức, kỹ năng cần bổ sung hoặc rèn luyện thêm và học sinh thiết lập mức điểm
mục tiêu cần đạt của bản thân.
Học sinh có thể tự đánh giá năng lực, mức điểm hiện tại của bản thân bằng cách làm thử đề thi tốt
nghiệp THPT môn Tiếng Anh của các năm trước. Sau đó, các em lập bảng số liệu tổng hợp lại kết quả
của các bài sau khi làm thử (có giới hạn thời gian theo quy định). Từ đó tự phân tích, nhìn nhận lại các
vấn đề bản thân còn gặp khó để xây dựng lộ trình học tập phù hợp cho bản thân, ưu tiên nhiều thời
gian hơn cho phần kiến thức cần bổ sung.
Bước 2: Chạy đà
Ở bước này, với mục tiêu tối thiểu là 5 điểm, học sinh cần nắm vững:
Các chủ điểm ngữ pháp cơ bản, không sa đà vào học các phần kiến thức liên quan tới trường hợp đặc
biệt.
Các chủ điểm ngữ pháp cơ bản bao gồm: Các thì cơ bản (hiện tại đơn, quá khứ đơn, hiện tại hoàn
thành, quá khứ đơn, tương lai đơn); các chuyên đề liên quan tới thì như câu bị động, câu điều kiện/ câu
ước, câu hỏi đuôi, câu gián tiếp, mạo từ, từ định lượng, so sánh, đại từ quan hệ, các cấu trúc thường
gặp đi kèm với trạng từ.
Ngoài ra, đối với phần ngữ âm, các học sinh cần luyện tập thêm các bài tập liên quan tới phát âm phụ
âm, nguyên âm đơn, trọng âm của từ có 2 âm tiết và 3 âm tiết (có dấu hiệu)
Từ vựng: Nên tập trung vào các từ vựng ở trình độ A2 về các chủ đề quen thuộc (Health, Environment,
Technology, Tourism…) thông qua các bài tập đọc hiểu ngắn (độ dài 120-150 từ).
Cùng với đó là luyện tập các bài tập theo từng chuyên đề để tăng độ chính xác, chắc chắn khi làm bài
thi. Sưu tầm ngân hàng đề thi thử của các trường hoặc các đề dễ tìm kiếm được trên mạng xã hội, qua
bạn bè…
Sau mỗi chuyên đề ôn, học sinh sử dụng kiến thức áp dụng vào làm các câu sử dụng kiến thức của
chuyên đề đó trong ngân hàng đề sưu tầm để luyện tập.

Bước 3: Tăng tốc

Sau khi luyện tập các chuyên đề riêng lẻ, đây là giai đoạn học sinh cần tập trung vào thực hiện luyện đề tổng hợp các kiến thức.

Các nguồn đề tham khảo bám sát đề tham khảo tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT có thể sử dụng bao gồm:

Các đề luyện tập trên trang https://dgnl.olm.vn/ được biên soạn theo cấu trúc đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT. Bộ 10 đề thi thử tốt nghiệp THPT biên soạn bởi 130 giáo viên trên toàn quốc của Dự án Giáo viên Tiếng Anh được chia sẻ miễn phí. Kho đề trên Hệ thống quản lý học và thi trực tuyến K12 online https://k12online.vn/

Học sinh sau khi làm xong mỗi đề, cần tự đánh giá lại câu hỏi đã làm dựa trên kết quả đạt được. Theo đó, tự phân tích, giải nghĩa các câu sai hoặc nhờ sự hỗ trợ từ những nguồn uy tín để giải đáp các câu đã làm sai, kết hợp ghi chú (nếu cần). Lưu lại các kiến thức bổ sung mới nếu có (thường liên quan tới từ vựng, đặc biệt là phrasal verbs và idioms) và thiết lập thời gian để luyện tập thêm các câu hỏi tương tự.

Bước 4: Về đích

Để đạt được các mức điểm cao hơn, bên cạnh việc có kiến thức chắc chắn trong các mảng ngữ pháp thường gặp, học sinh cần rèn luyện kỹ năng làm bài (loại trừ phương án sai) và nâng cao vốn từ vựng là vô cùng quan trọng để xử lý được các câu hỏi kiểm tra về cụm động từ, cụm từ cố định, thành ngữ, từ đồng nghĩa – trái nghĩa hay hỗ trợ trực tiếp cho các bài đọc hiểu trong đề thi.

Vốn không có quy tắc nhất định nào nên học sinh cần tích lũy và trau dồi vốn từ qua quá trình học và luyện đề. Học sinh có thể học từ vựng qua các hình thức khác nhau như sử dụng các app Quizlet, Vocabulary.com, hoặc sử dụng Flashcards, sổ tay từ vựng, sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống từ theo chủ đề…

Ngoài ra, học sinh cũng cần lưu ý một số ‘bí kíp’ liên quan tới mảng từ vựng như sau:

Với các câu hỏi về từ đồng nghĩa – trái nghĩa, học sinh cần đọc kỹ ngữ cảnh để đoán được chính xác nghĩa của từ, bởi một từ có thể mang nhiều nghĩa khác nhau. Thêm vào đó, học sinh cũng cần đọc kĩ đề bài, tránh chủ quan dễ dẫn tới việc nhầm lẫn trong việc lựa chọn tất cả 4 câu hỏi đều là từ đồng nghĩa.

Bên cạnh yếu tố về kiến thức, thì yếu tố tâm lý và chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt điểm số cao.

Xem bài đăng trên Báo Giáo dục thời đại: https://giaoducthoidai.vn/4-buoc-on-tap-mon-tieng-anh-thi-tot-nghiep-thpt-post634860.html

HƯỚNG DẪN ÔN TẬP MÔN NGỮ VĂN

Cô Lê Hải Châu, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ lưu ý giúp học sinh hoàn thành tốt bài thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm nay.

Đọc kỹ đề, phân bố thời gian hợp lý

Trước khi vào làm bài, học sinh cần đọc kỹ, chi tiết nội dung đề bài yêu cầu để hiểu đúng, chính xác vấn đề mà đề bài đưa ra.

Khi ra khỏi phòng thi, không ít học sinh tiếc nuối vì thiếu thời gian làm bài. Đây là điều dễ hiểu vì khi làm văn nhiều học sinh có tâm lý viết “thừa còn hơn thiếu”. Tuy nhiên, đây là điều tối kị trong quá trình làm bài, vì thời gian dành cho mỗi phần đều cần phân rõ để đảm bảo chất lượng của cả bài thi.

Do đó, quá trình làm bài, học sinh nên hình thành thói quen và tự quản lý bản thân làm bài theo cách chia thời gian như sau:

Phần Đọc hiểu: 15-20 phút; phần Nghị luận xã hội: 15-20 phút; phần Nghị luận văn học: 80-85 phút; thời gian để soát lại bài làm: 5 phút.

Cô Lê Hải Châu, GV Ngữ Văn – Trường THPT Ban Mai

Kỹ năng khi làm phần Đọc hiểu

Khi nhận đề thi, học sinh hãy tập trung đọc các câu hỏi trong phần đọc hiểu trước, sau đó mới quay trở lại đọc văn bản. Trong quá trình đọc câu hỏi, học sinh đã ghi nhớ được một số những từ khóa để lưu ý trong quá trình đọc và bước đầu hình dung được nội dung chính của văn bản. Từ đó tăng hiệu quả bài làm và tiết kiệm thời gian làm bài.

Với những câu hỏi ở mức độ nhận biết, học sinh tập trung vào những kiến thức cơ bản như: phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt; hình thức ngôn ngữ; phương thức trần thuật; các phép liên kết; thể thơ; thể loại; thao tác lập luận, biện pháp nghệ thuật… Với câu này, học sinh cần trả lời ngắn gọn, nhanh chóng nhưng cũng cần độ chính xác cao vì dễ bị nhầm lẫn.

Với những câu hỏi lấy ngữ liệu từ văn bản, thường yêu cầu “căn cứ vào văn bản”, “theo tác giả”…, học sinh cần đọc kỹ đoạn văn bản chứa từ khóa, ý chính của đoạn văn bản đề tìm ra vấn đề được hỏi.

Với câu hỏi thông hiểu và vận dụng, cần bám vào văn bản và thực tiễn để lý giải, quan điểm đưa ra phải phù hợp với chuẩn mực xã hội và có ý nghĩa trong việc thúc đẩy sự phát triển tích cực.

Kỹ năng làm câu nghị luận xã hội

Đề bài văn nghị luận xã hội thường yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ. Học sinh cần trình bày trong một đoạn văn (không được ngắt xuống dòng), dung lượng an toàn khoảng 2/3 tờ giấy thi (khoảng trên dưới 20 dòng viết tay). Có thể nhiều hơn vài dòng cũng không bị trừ điểm (tối đa 1 trang giấy thi).

Khi đặt bút viết, học sinh cần trả lời câu hỏi: Chủ đề/ luận điểm đoạn văn mình viết là gì? Để làm sáng tỏ chủ đề/luận điểm ấy, cần phải nêu luận cứ cụ thể nào? Để viết tốt đoạn văn, học sinh cần nắm vững bố cục cơ bản của một đoạn văn nghị luận xã hội, cách triển khai ý, cách viết câu… Trong khi viết đoạn văn, học sinh sử dụng các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, so sánh, bình luận…

Để viết được đoạn văn nghị luận xã hội đạt điểm cao, ngoài những kỹ năng cứng như trên, học sinh cần có những kỹ năng mềm như nắm bắt tình hình xã hội, những vấn đề nóng của xã hội đang diễn ra mang tính thời sự… Học sinh bắt buộc phải đưa dẫn chứng vào bài làm nhưng tránh đưa vào bài quá nhiều dẫn chứng hoặc những dẫn chứng đã quá quen nhàm. Tránh hô khẩu hiệu, lan man, dài dòng.

Kỹ năng làm câu nghị luận văn học

Trong bài thi môn Ngữ văn, bài nghị luận văn học chiếm 50% số điểm của toàn bài. Do đó, đây là phần đòi hỏi học sinh dành nhiều thời gian, kiến thức và thể hiện kỹ năng viết bài cứng cáp.

Để làm tốt bài này, học sinh cần nắm chắc kiến thức chung của các tác phẩm trọng tâm trong chương trình Ngữ văn THPT, đặc biệt là các tác phẩm trọng tâm của lớp 12.

Theo định hướng đề thi những năm gần đây, khi làm bài học sinh có thể làm theo những bước sau:

Bước 1: Nhận dạng kiểu bài, xác định yêu cầu trọng tâm bằng cách gạch chân từ – cụm từ quan trọng trong đề.

Bước 2: Lập dàn ý khái quát, có đưa ra những ý quan trọng của từng phần:

Mở bài: Giới thiệu chung (vị trí, phong cách của tác giả; nét cơ bản về tác phẩm); dẫn dắt vào vấn đề nghị luận; khái quát về vấn đề.

Thân bài: Với yêu cầu đề chính, nêu cảm nhận về hai ngữ liệu được đưa ra từ đề bài. Khái quát thêm về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ tác phẩm, sơ lược nội dung tư tưởng tác phẩm.

Với yêu cầu phụ: Dựa vào đặc sắc về cảm hứng, quan điểm sáng tác, đặc trưng phong cách nghệ thuật tác giả hoặc căn cứ vào diễn biến, quá trình thay đổi của các ngữ liệu để đánh giá, nhận xét, lý giải phù hợp.

Kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận và đánh giá sau cùng; nêu ấn tượng bản thân về vấn đề…

HƯỚNG DẪN ÔN TẬP MÔN SINH HỌC

Cô Phạm Thị Việt Chinh, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ 5 lưu ý giúp thí sinh ôn tập hiệu quả môn Sinh học thi tốt nghiệp THPT.

Cô Phạm Thị Việt Chinh cho biết: Sinh học là một trong ba môn thi thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên. Những học sinh sử dụng môn Sinh học để xét tuyển vào đại học chắc chắn đã có mục tiêu và kế hoạch học rõ ràng.

Tuy nhiên, với những học sinh chỉ sử dụng môn Sinh để xét tốt nghiệp cần nhiều thời gian cho môn thuộc khối chính và mục tiêu đặt ra có thể chỉ cần qua liệt để xét tốt nghiệp.

Do vậy, thí sinh thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT được chia thành 2 nhóm: Thi để xét tốt nghiệp và thi để làm căn cứ xét tuyển vào đại học. Mỗi nhóm lại có mục tiêu điểm số riêng, kế hoạch ôn tập phù hợp để đạt được mục tiêu.

5 lưu ý cụ thể được cô Phạm Thị Việt Chinh chia sẻ với thí sinh như sau:

Xác định mục tiêu điểm số

Đầu tiên, học sinh cần xác định mục tiêu điểm số mong muốn đạt được. Từ đó mục tiêu, học sinh xác định vùng kiến thức cần ôn tập để đạt được kết quả như mong muốn (dựa vào ma trận đề minh họa).

Những học sinh không có mục tiêu sử dụng môn Sinh học để xét tốt nghiệp cần chú ý ôn tập mức độ ghi nhớ và thông hiểu.

×

Học sinh mục tiêu cao hơn xét điểm vào đại học cần rèn luyện kỹ năng làm câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao (thường ở dạng đếm số câu trả lời đúng…)

Nắm rõ cấu trúc kiến thức trong đề thi

Học sinh cần nắm rõ cấu trúc kiến thức trong đề thi. Đây là chìa khóa giúp các em lên được kế hoạch ôn thi sao cho đạt được hiệu quả và hợp lý nhất so với năng lực của bản thân.

Học sinh có thể tham khảo các dạng đề thi thử của các Sở GD&ĐT, các trường uy tín, các dạng đề chính thức của năm trước.

Cô Phạm Thị Việt Chinh, giáo viên Trường THPT Ban Mai

Lập thời gian biểu

Để ôn tập hiệu quả, học sinh nên lập thời gian biểu cụ thể chi tiết để tránh dành thời gian quá nhiều cho một chuyên đề nào đó mà không dành thời gian cho chuyên đề khác.

Điều đó dẫn đến mất điểm đáng tiếc cho những câu hỏi dễ nhưng kiến thức của câu này lại nằm trong nội dung mà học sinh chưa học.

Học hiểu bản chất

Khi ôn tập kiến thức dưới dạng dạng chuyên đề học sinh cần chú ý học hiểu bản chất Sinh học, ghi nhớ dạng chuỗi các từ khóa liên quan, hiểu và phân tích rõ các hình ảnh, biểu đồ và ví dụ mở rộng trong sách giáo khoa.

Khi đọc sách giáo khoa theo từng bài, học sinh dùng bút đánh dấu các từ khóa quan trọng nhất của mỗi đoạn, sau đó ghi vào vở học.

Việc cầm sách hoặc nằm trên giường để đọc gây cảm giác ức chế, dễ ngủ và khó học. Do vậy, học sinh cần ngồi vào bàn học, có bút đánh dấu, vở ghi chứ không lướt như đọc truyện.

Các em cũng nên dùng cách học theo trình tự: Đọc hiểu, đánh dấu, ghi từ khóa, tái hiện kiến thức, vận dụng làm trắc nghiệm và vá hổng kiến thức.

Rèn kỹ năng giải đề

Điều quan trọng đối với giai đoạn nước rút là học sinh rèn kỹ năng giải đề. Thông qua quá trình giải đề, học sinh vừa có thể tích lũy kiến thức, vừa xác định kiến thức hổng, vừa rèn được kỹ năng làm bài (xác định từ khóa quan trọng, đọc hiểu đề, kỹ năng loại trừ và kỹ năng làm bài nhanh….), tự tạo phản xạ tư duy để từ đó đưa ra được phương án chính xác và hiệu quả nhất.

Cô Phạm Thị Việt Chinh lưu ý: Không có phương pháp học tập vạn năng. Bản thân mỗi học sinh nên chủ động tìm cho mình phương pháp học hiệu quả nhất, bởi “thích nghi là chìa khóa của chọn lọc” để được chọn lọc vào vị trí như mong muốn. Học sinh phải tự tạo giá trị thích nghi cho riêng mình.

(Thông tin hướng dẫn các môn thi sẽ được tiếp tục cập nhật)