Thứ 6 ngày 25/9/2015, Tổ tiếng Anh trường tiểu học Ban Mai đã thực hiện buổi dạy chuyên đề đầu tiên của năm học về ứng dụng phương pháp VESTED trong giảng dạy tiếng Anh và các bộ môn bằng tiếng Anh. Đây là một trong những phương pháp học tập hiệu quả thông qua trải nghiệm đang được áp dụng với nhiều môn, đặc biệt là môn khoa học.
Buổi dạy chuyên đề do cô giáo Lưu Thùy Linh thực hiện, áp dụng cho môn I-science (khoa học bằng tiếng Anh) cho lớp 5A5 đã diễn ra thành công.
Với bài giảng “các chất liệu khác nhau như thế nào?”, cô Linh đã giúp các con có những trải nghiệm vô cùng thú vị với những thí nghiệm hấp dẫn về tính chất của các chất liệu khác nhau. Các con được đưa ra những hiểu biết của bản thân về các chất liệu đó. Thông qua các thí nghiệm các con sẽ tự rút ra kết luận về tính chất của chất liệu, được chia sẻ những điều mà chính các con rút ra từ bài học, sau đó cô giáo sẽ cùng các con đưa ra những kết luận chính thống về bài học.
Ngoài ra, cô giáo cũng giúp các con mở rộng kiến thức về ứng dụng của các chất liệu trong đời sống dựa vào những tính chất đó. Buổi học đã mang lại cho các con không chỉ kiến thức mà còn sự hứng thú và đam mê khám phá khoa học.
Một điểm mới trong các giờ học năm học 2015 -2016 đối với các con học sinh Ban Mai, đó là việc lồng ghép 7 thói quen cho trẻ thành đạt vào trong các bài học. Buổi dạy chuyên đề của cô Linh cũng không ngoại lệ. Xuyên suốt buổi dạy, các con được làm việc theo nhóm. Khi mỗi hoạt động nhóm diễn ra, học sinh phải luôn ghi nhớ và ứng dụng các thói quen.
Trong tiết dạy, cô Linh cho các con nhắc lại 7 thói quen các con cần áp dụng xuyên suốt bài học, và tập trung vào 2 thói quen số 5 và số 7. Theo đó, đối với thói quen 5: Hiểu rồi được hiểu, các con cần lắng nghe sự hướng dẫn của cô giáo trước, trong nhóm, các thành viên phải lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, sau đó mới phát biểu. Trong quá trình làm việc nhóm, các con ứng dụng thói quen số 7: Hợp lực. Các con luôn chủ động phối hợp với nhau thật ăn ý để đưa ra hiệu quả làm việc tốt nhất. Nếu toàn bộ công việc chỉ có 1, 2 bạn trong nhóm đảm nhiệm, nhóm khó có thể đưa ra kết quả tốt.
Tuy nhiên, nhóm trưởng làm nhiệm vụ phân công công việc với từng thành viên, các thành viên thực hiện tốt công việc của mình và có sự kết nối, hỗ trợ với các thành viên khác, nhóm sẽ có được hiệu suất công việc tốt.